Phó thủ tướng: Thượng tôn pháp luật để kéo giảm tai nạn giao thông
Phó thủ tướng đề nghị cán bộ, đảng viên, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo nêu gương 'Thượng tôn pháp luật' để từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn cho cả xã hội.
Nêu gương thượng tôn pháp luật
Sáng 9/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Lưu Quang đã phát động Lễ ra quân Năm ATGT 2024.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, năm 2023, kinh tế - xã hội tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu di chuyển của người dân và giao thương hàng hóa gia tăng, tạo áp lực lớn lên nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT).
Song, với sự chỉ đạo sớm, đồng bộ của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và sự triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, tình hình TTATGT năm 2023 tiếp tục được đảm bảo, tai nạn giao thông (TNGT) giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Tại lễ phát động, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tình hình TTATGT trong năm 2023 về cơ bản được bảo đảm.
TNGT tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 về số vụ và số người chết, giảm 1.285 vụ, giảm 1.922 người chết. Không còn xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài ở các trạm thu phí ở các dịp cao điểm.
Trong xã hội đã dần hình thành nét văn hóa mới "đã uống rượu bia, không lái xe", tình trạng vi phạm chở quá tải xe, cơi nới thành thùng xe ô tô tải đã được xử lý một cách căn bản.
Đánh giá cao tinh thần làm việc tận tụy, kiên quyết, kiên trì của các lực lượng làm công tác bảo đảm TTATGT, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, kế hoạch năm ATGT 2024 của Ủy ban ATGT Quốc gia với chủ đề "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn" đặt ra 3 mục tiêu: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; hàng năm kiềm chế và kéo giảm TNGT cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính và tại các đô thị lớn.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Phó thủ tướng đề nghị cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo nêu gương "Thượng tôn pháp luật", tạo động lực để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT, từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn cho cả xã hội.
Cùng với đó, kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, nhất là vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định; vi phạm chở hàng quá tải trọng; phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy…
Phó thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành để tuyên truyền để tinh thần thượng tôn pháp luật ngày càng lan tỏa rộng khắp trong xã hội.
Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng và bảo đảm tuyệt đối ATGT trong các dự án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường quản lý, kiểm tra, bảo đảm an toàn kỹ thuật đối với phương tiện giao thông; tiếp tục nâng cao chất lượng và an toàn với các hoạt động kinh doanh vận tải.
Kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn
Tại lễ phát động, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT, tiếp tục kiềm chế giảm TNGT từ 5% trở lên so với năm 2023 trên cả 3 tiêu chí; giảm ùn tắc giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Lễ hội Xuân năm 2024.
Trong đó, giám đốc Công an thành phố, giám đốc Sở GTVT, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan chỉ đạo tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, ùn tắc giao thông như vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ quy định, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện.
Cùng đó, tăng cường công tác tổ chức giao thông hợp lý, khoa học; tiếp tục tập trung xử lý các điểm ùn tắc giao thông, điểm đen về TNGT; khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm trong đô thị và trả lại lòng đường phục vụ đi lại của nhân dân; có phương án phân luồng giao thông, không để ùn tắc kéo dài khi có sự cố, TNGT, nhất là thời điểm trước và ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên các tuyến trục chính ra vào nội đô.
Bên cạnh đó, có phương án đảm bảo năng lực vận tải, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ; không để hành khách không kịp về quê ăn Tết do thiếu phương tiện; xử lý nghiêm tình trạng xe dù, bến cóc và tăng giá vé trái quy định.