Phó Thủ tướng Thường trực chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết Chỉ thị số 32
Ngày 19/12, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Hội nghị có sự tham gia của các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy Trung ương, 63 tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ: Để có một cách nhìn toàn diện, sâu sắc về những tồn tại, hạn chế, đúc rút các bài học kinh nghiệm của cả chặng đường 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32, xác định chính xác, đầy đủ định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này trong giai đoạn mới, việc tổng kết, đánh giá 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 là hết sức cần thiết.
Việc tổng kết, đánh giá 15 năm Chỉ thị số 32 tại thời điểm này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Trung ương đang tiến hành tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Kết quả tổng kết Chỉ thị số 32 sẽ góp phần vào việc đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư những định hướng, chính sách, giải pháp tổng thể nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, hội nghị tập trung vào một số nội dung chủ yếu như đánh giá tình hình, kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 32, thông báo Kết luận số 74-TB/TW ngày 11/5/2007 của Ban Bí thư, Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư;
Cho ý kiến dự thảo Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Chỉ thị số 32 và định hướng những nội dung chính về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dụcpháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các đại biểu tập trung, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn để cho ý kiến, trao đổi, thảo luận cởi mở, thẳng thắn về những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế; phân tích, nhận diện bối cảnh mới với những yêu cầu và thách thức mới đặt ra từ đó đề xuất định hướng, nhiệm vụ nhằm tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PBGDPL trong thời gian tới, bảo đảm cho công tác này ngày càng thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức pháp luật của người dân, góp phần ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền XHCN, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL đã được nâng lên. Hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã được tăng cường, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Cụ thể, việc ban hành thể chế, chính sách của công tác PBGDPL được hoàn thiện, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ với việc ban hành hành Luật PBGDPL; 3 nghị định của Chính phủ, 7 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 4 thông tư liên tịch, 13 thông tư, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác PBGDPL.
Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên các đối tượng đặc thù của công tác PBGDPL, tạo điều kiện thuận lợi về chủ trương, cơ sở pháp lý và nguồn lực cho các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác PBGDPL.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định về các chương trình PBGDPL theo từng giai đoạn, mỗi chương trình có các đề án PBGDPL cụ thể.
Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong tổ chức thực hiện PBGDPL thường xuyên được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng bài bản, hiệu quả. Thiết chế hội đồng đã khẳng định vị trí, vai trò trong tư vấn, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Luật PBGDPL, nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách, định hướng chủ đề, nội dung, hình thức PBGDPL cần chú trọng thực hiện.
Nội dung PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng thực chất hơn nhu cầu thực tiễn và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, nhất là việc tập trung phổ biến các luật, pháp lệnh mới liên quan đến công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; các chế độ, chính sách mới được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội...
Hình thức PBGDPL tiếp tục được đổi mới, sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực như: Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; PBGDPL qua hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường; PBGDPL thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; qua câu lạc bộ pháp luật, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở… Một số hình thức PBGDPL mới, có hiệu quả cũng được áp dụng cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhất là gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.
Nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPLđược củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Đến ngày 1/5/2019, cả nước có27.401 báo cáo viên pháp luật và 137.844 tuyên truyền viên pháp luật.
Đối với khối trường THCS, THPT, năm học 2017-2018 cả nước có 14.899 giáo viên dạy môn giáo dục công dân. Khối trường đại học, cao đẳng hầu hết đã bố trí giảng viên giảng dạy pháp luật với tổng số 1.418 giảng viên các cơ sở giáo dục đại học (bao gồm cả các trường đang đào tạo chuyên về ngành luật).
Việc tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm được tổ chức nề nếp, đã tạo hiệu ứng tích cực, trở thành sự kiện chính trị-pháp lý quan trọng của đất nước cả ở Trung ương và địa phương với nhiều điểm nhấn, góp phần tạo sự lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong toàn xã hội.
Tuy nhiên, báo cáo tổng kết cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Đó là, công tác PBGDPL chưa được sự quan tâm đúng mức ở một số cơ quan, tổ chức; chưa xác định công tác này “là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị”, thậm chí còn bị cho là nhiệm vụ của chính quyền các cấp hoặc của riêng ngành tư pháp.
Việc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết… để đúc rút kinh nghiệm, tìm giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác PBGDPL chưa được chú trọng đúng mức.
Nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL ở các cấp, các ngành mặc dù đã được củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của đất nước trong tình hình mới.
Việc định hướng nội dung PBGDPL đôi lúc chưa sát với nhu cầu thực tiễn, còn dàn trải, có lúc chưa trọng tâm, trọng điểm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL bắt đầu chậm. Một số hình thức PBGDPL chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của đối tượng đặc thù.
Cơ sở vật chất, kinh phí dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa hoặc những địa bàn khó khăn.
Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa chuyển biến rõ nét.
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đánh giá những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Chỉ thị này.
Nhận thức, sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt của người đứng đầu là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong triển khai thực hiện Chỉ thị 32/CT-TW cũng như trong công tác PBGDPL nói chung.
Chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra công tác PBGDPL; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm được giao trong Chỉ thị số 32-CT/TW, Luật PBGDPL.
Xác định đúng đắn, đầy đủ vai trò tham mưu quản lý nhà nước gắn với điều phối các hoạt động của ngành tư pháp, của tổ chức pháp chế bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan chuyên môn thuộc UBND trên nguyên tắc công tác PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Coi trọng công tác tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng, phát huy, nhân rộng và vinh danh các cá nhân, tổ chức có mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong triển khai công tác PBGDPL.
Chú trọng quan hệ giữa phổ biến nội dung chính sách, pháp luật với giáo dục pháp luật, đặc biệt là giáo dục pháp luật trong nhà trường phải hài hòa trên tinh thần lấy việc giáo dục làm nền tảng.
Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL chất lượng, hiệu quả, trong đó chú trọng nâng cao năng lực, phát huy, sử dụng có hiệu quả đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.