Phó Thủ tướng thường trực: Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi đã được cải thiện

Tham dự Hội nghị Tổng kết công tác dân tộc năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ủy ban Dân tộc tổ chức sáng 30/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết: Bức tranh chung về đời sống của đồng bào dân tộc sáng sủa hơn.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chủ trì Hội nghị Tổng kết Công tác dân tộc năm 2024. Ảnh: ND

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chủ trì Hội nghị Tổng kết Công tác dân tộc năm 2024. Ảnh: ND

Tham dự Hội nghị Tổng kết còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và lãnh đạo các bộ, ngành ở trung ương, các địa phương tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Trình bày báo cáo Tổng kết Công tác dân tộc năm 2024, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà cho biết, trong năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS &MN) khá cao.

Trong đó, các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,0%/năm. Đến nay, 98,4% xã vùng DTTS&MN có đường ô tô đến trung tâm, 96,7% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 69,1% số trạm y tế có bác sỹ, y tá khám chữa bệnh cho người dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.

Nhiều tỉnh có tỉ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm trên 3%, vượt mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2030, định hướng đến năm 2045…

Năm 2024, Ủy ban Dân tộc tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách trong lĩnh vực công tác dân tộc, điển hình là đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình 1719; trình hội đồng thẩm định nhà nước về sửa đổi Quyết định 1719; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 127, sửa đổi, bổ sung Nghị định 05; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định 1087, 1220, 1513... và nhiều văn bản, đề án quan trọng khác.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình (giữa), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, dự và chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: ND

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình (giữa), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, dự và chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: ND

Đến nay, 17 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã ban hành Nghị quyết lựa chọn huyện thí điểm phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025; 31 địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã ban hành các văn bản điều hành về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hằng năm, điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hằng năm; 16 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bố trí vốn từ ngân sách địa phương để ủy thác vốn qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương để cho vay các đối tượng chính sách thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao những chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào DTTS &MN. Phó Thủ tướng thường trực cho biết, bức tranh chung về đời sống của đồng bào sáng sủa hơn. Kinh tế tăng trưởng, đời sống của đồng bào DTTS&MN đã được cải thiện. Trong phát triển kinh tế xã hội ở các vùng, đều xuất hiện các mô hình rất tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Nếu như không có những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, không có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền thì không có được kết quả này.

Tuy vậy, theo Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, đời sống người dân vùng đồng bào DTTS&MN vẫn còn nhiều vấn đề trăn trở như cơ sở vật chất còn yếu, mặt bằng chung về nhân lực còn hạn chế, kinh tế xã hội còn phát triển chậm, dịch vụ xã hội kém nhất so với các vùng, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất… Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ yêu cầu một số văn bản hướng dẫn cần triển khai kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc ở cơ sở.

"Năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, Ủy ban Dân tộc cần xác định lại nhiệm vụ, quyết tâm, trách nhiệm chính trị với đồng bào DTTS&MN. Bám sát chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội với những chủ trương lớn. Năm 2025 phải hoàn thành chương trình xóa nhà tạm cho người nghèo, nhất là vùng đồng bào DTTS&MN. Tổng kết giai đoạn 1 của chương trình mục tiêu quốc gia để bước vào giai đoạn 2 (nhiệm kỳ 2025 - 2030)", Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Năm 2025, Ủy ban Dân tộc đề ra nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, quy chế để phù hợp với với bộ máy tổ chức mới; đồng thời tham mưu tổng kết các chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, tham mưu ban hành sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc trong giai đoạn 2026 - 2030 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021 - 2030.

Tập trung xây dựng và hoàn thành các Đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2025 theo đúng thời hạn được giao, đảm bảo chất lượng.

Đẩy mạnh thực hiện tạo chuyển biến cơ bản về tiến độ, chất lượng việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trọng tâm là chương trình MTQG DTTS&MN và chương trình giảm nghèo bền vững. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát để xử lý tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện các chương trình; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và đề xuất thực hiện chương trình MTQG DTTS&MN và chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026 - 2030...

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/pho-thu-tuong-thuong-truc-buc-tranh-chung-ve-doi-song-cua-dong-bao-dan-toc-sang-sua-hon-20241230153235596.htm