Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Bảo đảm văn hóa phát triển cân đối với chính trị, kinh tế
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị kế hoạch xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, theo đúng quy trình, thủ tục, báo cáo cấp có thẩm quyền, bảo đảm văn hóa phát triển cân đối, hài hòa với chính trị, kinh tế, xã hội.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), một số bộ ngành, chuyên gia văn hóa về Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2023-2030.
Trong cuộc làm việc ngày 22/2, Phó Thủ tướng nêu: Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (2021) đã tổng kết, đánh giá về lý luận, thực tiễn cũng như con đường phát triển của văn hóa cùng với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Nhiều vấn đề mới được đặt ra như: Văn hóa trong xã hội số, văn hóa môi trường, văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong nhân dân, văn hóa là lực lượng xung kích trong phòng, chống tiêu cực, lãng phí, suy thoái đạo đức, tư tưởng…
Phó Thủ tướng yêu cầu, việc xây dựng Chương trình tổng thể là cấp bách, cần bám sát thực tiễn, nhằm cụ thể hóa các nội dung đã nêu trong các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong đó lưu ý 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thành công mục tiêu “Xây dựng, gìn giữ, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
GS.TS. Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQG Hà Nội) cho rằng chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa đã đầy đủ, toàn diện. Nhiệm vụ chính của Chương trình tổng thể là đưa những chủ trương, đường lối này vào cuộc sống, phải triển khai thật nhanh, vừa làm, vừa điều chỉnh, nếu không sẽ mất thời cơ. Ông cho rằng cần làm rõ hơn mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của Chương trình tổng thể, nhằm giải quyết nút thắt chính và mở đường, tạo ra đột phá, chuyển biến lớn trong phát triển văn hóa.
“Đó là đặt văn hóa, xã hội ngang hàng với kinh tế, được thể chế hóa khi xây dựng các quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bố trí nguồn lực phát triển tương xứng cho lĩnh vực văn hóa”, GS.TS. Phạm Hồng Tung bày tỏ. Ông cũng kiến nghị đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo như là "lối đi đột phá", đưa văn hóa thực sự trở thành xung lực, nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Các chuyên gia cũng đề nghị Chương trình tổng thể cần có thêm các giải pháp nhằm gìn giữ, phát huy giá trị thiết chế, môi trường văn hóa truyền thống hiện nay, xây dựng hành trang văn hóa để hội nhập cho người dân, nhất là thế hệ trẻ, phát triển không gian sáng tạo cho công nghiệp văn hóa, tăng cường hoạt động đào tạo cho các ngành nghệ thuật, đầu tư nghiên cứu cơ bản về văn hóa, xây dựng các nhịp cầu quảng bá văn hóa Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại…
Đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sát thực tiễn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ông yêu cầu Bộ VHTTDL chuẩn bị kế hoạch xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, theo đúng quy trình, thủ tục, báo cáo cấp có thẩm quyền, bảo đảm văn hóa phát triển cân đối, hài hòa với chính trị, kinh tế, xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL khẩn trương tiến hành rà soát những dự án, kế hoạch, chiến lược đang thực hiện, những vấn đề cấp bách, những nội dung mới trong Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), để đưa vào Chương trình tổng thể, bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo, có mục tiêu, dự án cụ thể cho đến năm 2025; phải là một phần của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
“Quan trọng nhất là phải thể chế hóa các nghị quyết, chủ trương của Đảng, tập trung vào tháo gỡ những điểm nghẽn để phát triển văn hóa, nghệ thuật, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu định hướng tư tưởng, chính trị trong tình hình mới”, Phó Thủ tướng nói.
Qua các ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phát triển văn hóa phải gắn với con người, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hóa vật thể, phi vật thể, giữ gìn bản sắc văn hóa trong từng cộng đồng, làng xã, thúc đẩy yếu tố văn hóa trong mọi lĩnh vực, hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, đào tạo… Định hướng phát triển công nghiệp văn hóa cần thay đổi căn bản tư duy, cách tiếp cận trên tinh thần “văn hóa hóa kinh tế, kinh tế hóa văn hóa”.
Nhấn mạnh xây dựng văn hóa trong xã hội số là lĩnh vực rất mới, Phó Thủ tướng gợi mở hướng tiếp cận không đơn thuần số hóa các di tích, di sản văn hóa, lịch sử mà cần nghiên cứu cơ bản, thiết lập hệ quy phạm, quy chuẩn đạo đức, ứng xử trên không gian số.
Nhắc lại câu nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" của Bác Hồ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu: Nghiên cứu cơ bản về văn hóa phải đi trước, làm cơ sở nâng cao nhận thức về văn hóa trong mọi lĩnh vực, mọi giai tầng của xã hội...