Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự lễ công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Sáng 5/3, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Ngày 06/02/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 158/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Vĩnh Phúc, quy mô 1.236km2 gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (2 thành phố và 7 huyện).

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh phát biểu tại hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh phát biểu tại hội nghị.

Một số chỉ tiêu cụ thể trong quy hoạch là: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng từ 10,5-11,0%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 325 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 65%; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,5%; tỷ lệ chất thải rắn thu gom được xử lý ở thành thị 100%, ở nông thôn 90%; tỷ lệ độ che phủ rừng 22-25%; phát triển đạt tiêu chí đô thị loại I trên quy mô toàn tỉnh; tỷ lệ huyện đạt huyện nông thôn mới đạt 100%...

Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc.

Phương hướng phát triển các ngành quan trọng: Về phát triển công nghiệp, tiếp tục phát huy thế mạnh của tỉnh trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ôtô, xe máy lớn của cả nước. Khai thác tối đa mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội. Về phát triển ngành dịch vụ, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo hướng “Dịch vụ chất lượng – Sản phẩm khác biệt – Hiệu quả bền vững” đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch nghỉ dưỡng có thương hiệu. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, an toàn, hữu cơ theo chuỗi gái trị gắn với xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại…

Quy hoạch xác định phát triển 3 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế động lực phía Đông Nam; hành lang phát triển du lịch - đô thị nghỉ dưỡng phía Bắc; hành lang phát triển ven sông phía Tây. Trục động lực phát triển Bắc Nam là trục liên kết Tam Đảo – Vĩnh Yên – Yên Lạc tới Hà Nội, liên kết cảnh quan, thể hiện sự đa dạng về địa hình và cảnh quan của tỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc xác định 3 cực tăng trưởng chính gồm: Thành phố Vĩnh Yên - trung tâm phát triển kinh tế, đô thị, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng; thành phố Phúc Yên - tăng trưởng phía Đông Nam phát triển về công nghiệp, dịch vụ, du lịch; Bình Xuyên - tăng trưởng công nghiệp công nghệ cao.

Phương án quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65%, bao gồm các đô thị: 2 đô thị loại II là thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên. 5 đô thị loại IV gồm: Vĩnh Tường, Tam Đảo, Bình Xuyên, Tam Dương, Yên Lạc, trong đó Vĩnh Tường, Tam Đảo, Bình Xuyên được thành lập đơn vị hành chính đô thị là thị xã. 19 đô thị loại V: Trong đó huyện Lập Thạch có 14 đô thị, huyện Sông Lô có 5 đô thị.

Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc đạt các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để thành lập thành phố trực thuộc Trung ương; sau năm 2030, Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.

Quyết định cũng nêu rõ, nhóm giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư là tập trung đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, trong đó ưu tiên các dự án trọng điểm tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và hình thức đầu tư khác; tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được trong suốt chặng đường đã qua. Đồng thời Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc được phê duyệt là 1 bước cụ thể hóa Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thể hiện khát vọng của nhân dân Vĩnh Phúc về thịnh vượng, xã hội phát triển hài hòa, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống.

Phó Thủ tướng khẳng định, Vĩnh Phúc sẽ đóng vai trò là một trong những cực phát triển, là hạt nhân thúc đẩy phát triển nền công nghiệp hiện đại của vùng Đồng bằng sông Hồng và là một trong ba cực tăng trưởng của vùng Thủ đô Hà Nội. Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Vĩnh Phúc; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Vĩnh Phúc phát triển trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm tỉnh.

Để đạt được những mục tiêu tham vọng, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, mỗi cán bộ, đảng viên cũng như từng người dân Vĩnh Phúc phải chuyển hóa khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vào trong từng hành động, việc làm nhỏ nhất để Vĩnh Phúc ngày càng thịnh vượng, hiện đại, văn minh.

Tỉnh Vĩnh Phúc trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một số dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Vĩnh Phúc trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một số dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và trao Quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc. Nhân dịp này, tỉnh Vĩnh Phúc cũng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một số dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh.

Bích Huệ - Văn Nhất

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-du-le-cong-bo-quy-hoach-tinh-vinh-phuc-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-371003.html