Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Kinh tế tuần hoàn là bước tiến trên hành trình phát triển bền vững
Cách đây 5 năm, kinh tế tuần hoàn là một điều rất xa, nhưng hiện nay là giải pháp, là bước tiến trên chặng đường phát triển bền vững. Theo Phó Thủ tướng, 'chúng ta không có con đường nào khác ngoài đi về phía trước, hướng đến phát triển bền vững trong đó kinh tế tuần hoàn là một dấu mốc quan trọng trong chặng đường đó'...
Ngày 16/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức “Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023: Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn”. Hơn 1 năm trước, đã diễn ra diễn đàn lần thứ nhất để khởi động hành động của Chính phủ cùng với các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc lựa chọn con đường phát triển theo kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào Nghị quyết của Đảng. Đây là một dấu mốc, một sự lựa chọn hết sức cần thiết.
Phát triển kinh tế tuần hoàn là con đường đi, dòng chảy chính của thời đại. Với các nước đang phát triển như Việt Nam, bên cạnh việc đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội khác, đó là một thách thức lớn. Tuy nhiên, thách thức này sẽ tạo ra các áp lực, đồng thời cũng là cơ hội.
Các nước sẽ không thể phát triển bền vững nếu không đi cùng nhau, cùng thực hiện, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển; cùng hành động, tìm ra các giải pháp, công cụ quan trọng nhất để đạt được mục tiêu.
Mục tiêu này thể hiện dấu mốc có tính lịch sử của thế giới, đi từ sự phát triển theo mô hình kinh tế tuyến tính, sang mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, đến mục tiêu phát triển bền vững và không để ai ở lại phía sau, sống trong một thế giới an toàn hơn, thích ứng và hợp tác hơn…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, kinh tế tuần hoàn cách đây 5 năm là 1 điều rất xa, nằm trên nghiên cứu nhưng hiện nay là giải pháp, là bước tiến trên chặng đường phát triển bền vững.
Đánh giá cao chủ đề của diễn đàn năm 2023 hướng tới xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không thể bàn mãi về lý thuyết, nhận thức mà phải đi đến hành động cụ thể để đạt được kinh tế tuần hoàn. Việc khởi động xây dựng kế hoạch hành động ở Việt Nam đã thể hiện sự hợp tác của quốc tế.
Phó thủ tướng đặt vấn đề tư duy cách tiếp cận toàn cầu và hành động từ cơ sở. Việt Nam sẽ là một cơ sở của thế giới để cùng nhau xây dựng một khuôn mẫu cho sự chuyển đổi này.
“Chúng ta không có con đường nào khác ngoài đi về phía trước, hướng đến phát triển bền vững trong đó kinh tế tuần hoàn là một dấu mốc quan trọng trong chặng đường đó”.
Kinh tế tuần hoàn là hợp tác, chia sẻ, liên kết, giúp kết nối thế giới, kết nối chính phủ, các doanh nghiệp và người dân, để thế giới cùng hợp tác, cùng thắng và cùng chia sẻ rủi ro.
Phó Thủ tướng mong muốn những nhận thức và vấn đề đặt ra trong Diễn đàn phải triển khai thành những điều trong thực tế cuộc sống, biến những khó khăn phức tạp thành nhận thức, hành động đạt được hiệu quả cao nhất.
Để đạt được mục tiêu, Phó Thủ tướng cho rằng: “Chính phủ, nhà khoa học, các doanh nghiệp và mỗi người dân cùng phải làm”, đồng thời nhấn mạnh tới bài toán lượng giá kinh tế, tính toán lợi ích, hiệu quả mang lại khi triển khai nền kinh tế tiếp cận kinh tế tuần hoàn, dùng bài toán kinh tế để hướng các đơn vị lựa chọn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Mọi chi phí, kết quả kinh tế đạt được phải được hạch toán cụ thể, để thấy rõ lợi ích tổng thể khi tiếp cận kinh tế tuần hoàn; các chi phí của doanh nghiệp bỏ ra, các chi phí làm gia tăng giá trị xã hội…cũng như lợi ích mang lại để hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển…
Trong kế hoạch hành động, nếu Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp đặt ra các bài toán cho Chính phủ như chính sách pháp luật, áp dụng các biện pháp kinh tế, tính toán quy hoạch, thay đổi tư duy tài nguyên, thay đổi mô hình kinh tế…
Tuy nhiên, người thực hiện là các doanh nghiệp. Khi ứng dụng kinh tế tuần hoàn, về tổng thể sẽ mang lại hiệu quả, sức cạnh tranh tốt hơn các mô hình phát triển khác, thiếu bền vững. Trong các bước đi, cần phải đổi mới quản trị, công nghệ, thay đổi thiết kế, và cần có các mô hình liên kết, hợp tác.
Để phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng xanh cần nguồn tài chính và công nghệ. Trong phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, hướng đến Net Zero và năng lượng hóa thạch…bằng các nguồn năng lượng tái tạo cần có nguồn lực để thực hiện. Muốn vậy các thiết chế tài chính cần phải thay đổi.
Bên cạnh đó, trong áp dụng kinh tế tuần hoàn rất cần có sự hợp tác chia sẻ giữa các nước. Bởi theo Phó Thủ tướng, có những vấn đề Việt Nam mới bắt đầu khởi động nhưng cũng có những mục tiêu, nhiệm vụ đã được thực hiện ở nhiều quốc gia. Các nước đi sau rất cần cơ chế hợp tác, chia sẻ cách làm, nâng cao năng lực, thiết kế, quy hoạch, kỹ năng kinh nghiệm quản trị… của các nước đi trước để đạt được mục tiêu chung.
Đặc biệt, chìa khóa quan trọng “mở” cánh cửa, giúp đạt mục tiêu thành công của kinh tế tuần hoàn chính là khoa học công nghệ. Theo đó, cần có sự hợp tác chia sẻ, nghiên cứu tạo ra các công nghệ có tính đột phá giúp chuyển đổi hoàn toàn mô hình hướng tới mục tiêu Net Zero.
“Phương thuốc vaccine” của biến đổi khí hậu để có thể đạt được mục tiêu chuyển đổi xanh trên phạm vi toàn cầu đó chính là hydrogen xanh, là công nghệ xanh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến kế hoạch hành động, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn phải triển khai trong tất cả các ngành lĩnh vực, hướng mục tiêu khai thác hiệu quả tài nguyên, trong đó tài nguyên tái tạo sẽ dần thay thế tài nguyên vật chất. Cùng với đó phải có lộ trình và cách thức thực hiện, cùng nhau làm, cùng nhau điều chỉnh, hoàn thiện…
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đánh giá việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia sẽ cung cấp một chiến lược cụ thể trong giai đoạn ngắn hạn, cũng như dài hạn để chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững.