Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ Tư pháp

Chiều 8/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với Bộ Tư pháp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp - Ảnh: VGP/Hải Minh

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Tư pháp và các đơn vị của Bộ đã báo cáo với Phó Thủ tướng về tình hình thực hiện và kết quả chủ yếu trong một số lĩnh vực công tác tư pháp; hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao vai trò, vị trí của Bộ Tư pháp trong xây dựng và hoàn thiện thể chế-một trong 3 khâu đột phá chiến lược.

Phó Thủ tướng nói ông cảm nhận được không khí rất cởi mở và gắn bó trong một tập thể chuyên nghiệp, đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau, qua đó giúp Bộ thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về: Xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, bồi thường nhà nước, công tác pháp chế; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước với 38 nhóm nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ nặng nề, chỉ có thể thực hiện được nếu có sự chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm, chứ không thể đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế cũng đòi hỏi có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng quy định pháp luật.

Ghi nhận ý kiến kiến nghị tại cuộc họp, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ cùng đồng hành với ngành tư pháp trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để ngành tư pháp hoàn thành tốt trọng trách được giao trong thời gian tới.

Năm 2022, công tác xây dựng pháp luật nói chung, công tác thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng được Bộ, ngành Tư pháp quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bộ Tư pháp đã tham gia có chất lượng vào việc tham mưu xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/TW của BCHTW về "tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".

Các báo cáo thẩm định của Bộ, ngành Tư pháp được các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL coi là kênh ý kiến quan trọng để quyết định ban hành văn bản.

Phó Thủ tướng khẳng định sẽ cùng đồng hành với ngành tư pháp trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để ngành tư pháp hoàn thành tốt trọng trách được giao trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng khẳng định sẽ cùng đồng hành với ngành tư pháp trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để ngành tư pháp hoàn thành tốt trọng trách được giao trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Hải Minh

Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ rà soát văn bản thuộc trách nhiệm của Ngành, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành nỗ lực thực hiện tốt việc tham mưu, thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục đổi mới, bám sát yêu cầu thực tiễn, lấy người dân là trung tâm thụ hưởng. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao hơn so với năm 2021, đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản do Quốc hội giao.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được xây dựng và vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Toàn ngành đã giải quyết kịp thời hàng triệu yêu cầu của người dân trong công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.

Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác về pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế có nhiều dấn ấn quan trọng.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, dành nhiều thời gian, nguồn lực hơn nữa cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương về công tác xây dựng pháp luật, tăng cường truyền thông chính sách, trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, đặc biệt là đối với ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp.

Xử lý kịp thời những văn bản cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trên cơ sở kết quả rà soát văn bản, nhất là kết quả rà soát do Tổ Công tác về rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ thực hiện trong các năm vừa qua.

Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, UBND cấp tỉnh và đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự,thi hành án hành chính, nhất là phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành các vụ việc phức tạp, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ, ngành Tư pháp phù hợp với yêu cầu quản lý công tác tư pháp. Các bộ, ngành, địa phương quan tâm kiện toàn tổ chức, ưu tiên bố trí nguồn lực làm công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao./.

Hải Minh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/pho-thu-tuong-tran-luu-quang-lam-viec-voi-lanh-dao-chu-chot-bo-tu-phap-102230208213953872.htm