Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Vốn sự nghiệp đưa xuống mà trật là 'đi về nơi xa lắm'
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, cái khó của giải ngân vốn sự nghiệp trong chương trình mục tiêu quốc gia là trực tiếp đưa cho dân là chính, chứ không phải vào các công trình, nếu mà trật một cái là 'đi về nơi xa lắm'.
Ngày 2-8, tại trụ sở UBND tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia làm việc với các tỉnh Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia và Nghị quyết số 111 của Quốc hội trong bảy tháng đầu năm 2024, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Bộ KH&ĐT cho biết tính đến ngày 30-6, nguồn vốn đầu tư công toàn vùng Tây Nguyên đã giải ngân được hơn 1.196 tỉ đồng, đạt khoảng 35% kế hoạch giao.
Trong khi đó, nguồn vốn sự nghiệp mới chỉ giải ngân được hơn 95 tỉ đồng, đạt 4,4% kế hoạch (cả nước đạt 5%). Việc giải ngân thấp là do chưa được các địa phương tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện.
Vẫn theo Bộ KH&ĐT, đối với bảy nhóm mục tiêu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì có bốn nhóm mục tiêu cơ bản hoàn thành tại vùng Tây Nguyên.
Đó là, mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác giáo dục; lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện; bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống.
Quá trình thực hiện, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 111 đã cơ bản giải quyết được những khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, đến nay, Thủ tướng chưa ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung đối với 83 thôn, buôn đạt tiêu chí thôn, buôn đặc biệt khó khăn sau khi chia tách, sáp nhập, giải thể hoặc đổi tên. Do vậy, các địa phương không có cơ sở triển khai các chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp này.
Chưa có quy định về khái niệm “người lao động có thu nhập thấp” là đối tượng thụ hưởng của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ tiêu chí xã, huyện giai đoạn 2021-2025 yêu cầu cao hơn và thêm mới nhiều tiêu chí so với giai đoạn 2016-2020. Một số tiêu chí chưa phù hợp với điều kiện thực tế của một số địa phương, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, thẩm định và công nhận…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận những nỗ lực của các địa phương trong thời gian qua, đồng thời xác định việc giải ngân vốn đầu tư sự nghiệp là khó hơn vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên, như tỉnh Lào Cai lại giải ngân được hơn 60%. Mục tiêu trong năm nay phải giải ngân cho được 70%.
“Cái khó của vốn sự nghiệp chủ yếu là hỗ trợ. Mình cầm đưa cho dân là chính, chứ không phải vào các công trình. Cầm ngân sách, cầm tiền Nhà nước đưa cho ai là phải chính xác. Nếu mà trật một cái là “đi về nơi xa lắm” liền. Cho nên các đồng chí hỏi miết hỏi hoài là vậy” – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh thêm, đối với nguồn vốn sự nghiệp đối với 5 tỉnh Tây Nguyên dù không lớn so với vốn đầu tư công nhưng là cực kỳ quan trọng, vì chương trình này là thâm nhập, thấm nhuần đến tận từng buôn làng. Vì vậy, trong tháng 8 này, Chính phủ sẽ hoàn thiện, xử lý tất cả vướng mắc liên quan đến thủ tục, cơ chế chính sách.
Sáng 2-8, tại Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị khảo sát của Đoàn công tác Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng với các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định những ý kiến tại hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, để Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng có cơ sở xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Phó Thủ tướng cũng biểu dương những nỗ lực cố gắng của các tỉnh Tây Nguyên trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân và đảm bảo quốc phòng an ninh.
Phó Thủ tướng nhìn nhận những khó khăn của Tây Nguyên trong thu hút đầu tư ngoài ngân sách, tiềm năng nhiều nhưng chính sách khai thác tiềm năng chưa hiệu quả.
Đồng thời nhấn mạnh, Tây Nguyên cần có cơ chế đặc thù để phát triển bền vững, đẩy mạnh phân cấp; quan tâm công tác dân tộc, cán bộ người dân tộc, người làm công tác dân tộc; quản lý chặt chẽ rừng và để người quản lý bảo vệ rừng gắn bó được với rừng; đồng bộ quy hoạch đúng định hướng để phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; làm tốt chính sách di cư ngoài kế hoạch…