Đến dự đại hội có Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương, địa phương.
Đại hội Đảng bộ Kiên Giang lần này có nhiệm vụ đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội X, chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá để đưa tỉnh nhà tiếp tục phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn mới.
Nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh dự đại hội.
Phó ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị cho biết 5 năm qua Đảng bộ, dân, quân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành hầu hết chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đề ra. Tỉnh có bước phát triển khá nhanh và toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.
Tuy nhiên, Kiên Giang cũng còn nổi lên một số hạn chế là kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực chuyển biến chưa nhiều.
“Tình hình an ninh biên giới, biển đảo, an ninh nông thôn, an ninh thông tin, tội phạm, tệ nạn xã hội, tranh chấp khiếu kiện trong nhân dân từng lúc còn diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn một số mặt hạn chế. Hoạt động của chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trên một số mặt hiệu quả chưa cao”, thay mặt Đảng bộ, ông Nghị đánh giá.
Tóm tắt báo cáo chính trị trình đại hội, Phó bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đặng Tuyết Em cho biết trong nhiệm kỳ qua kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,22%/năm. Quy mô nền kinh tế của tỉnh Kiên Giang từ 47.076 tỷ đồng vào đầu nhiệm kỳ đã tăng mạnh lên 71.755 tỷ đồng vào năm 2020...
Mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ mới, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Kiên Giang là thực hiện 3 khâu đột phá: Một là đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính. Hai là phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ba là tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối và phát triển.
Phạm Ngôn - Việt Tường