Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: 'Không ai gói bánh chưng bằng thịt gà'

Phát biểu thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế năm 2020 chiều ngày 22/10, khi nói về thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra, làm thiệt hại về kinh tế chăn nuôi, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: Dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng nặng nề, gây thiệt hại gần 20% tổng đàn, ngành nông nghiệp trong 9 tháng qua chỉ tăng có 0,02%.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ chiều 22/10. Ảnh: Viết Tôn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ chiều 22/10. Ảnh: Viết Tôn.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi. Kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại; cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng; giá vàng tăng cao, giá dầu thô biến động mạnh; rủi ro trên thị trường quốc tế tăng lên; nhiều quốc gia nới lỏng chính sách tài chính, tiền tệ... Tình hình khu vực, biển Đông diễn biến rất phức tạp.

Trong khi đó, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, để đạt được sự tăng trưởng GDP cả năm 6,8% và có khả năng hơn là một động lực lớn. “Tuy nhiên, ngành nông nghiệp thiệt hại lớn sau dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 63 tỉnh thành phố, 642 huyện, 7.612 xã, mất khoảng 5,5 triệu con lợn, khiến tổng đàn mất khoảng 20%”.

Trước tình hình thế giới có nhiều biết động, đáng lo ngại nhất là giá thịt lợn tăng cao, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương cần tính đến phương án nhập khẩu thịt lợn, vì dự báo, nhu cầu gia tăng tiêu dùng trong dịp lễ, Tết. Trước tình hình trên, ngành chăn nuôi và các địa phương có thể phát triển thêm đàn gia cầm, thủy cầm… “Nhưng không ai gói bánh chưng bằng thịt gà cả”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần tính toán kỹ nhu cầu của người dân, nếu cần thì nhập khẩu thịt lợn để kỳ vọng lạm phát giảm xuống, bởi bà con có tâm lý nuôi thêm, chỗ nuôi lớn thì chưa bán nhiều.

Trong năm 2020, Chính phủ đặt ra mục tiêu tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn…

Đẩy mạnh cơ cấu lại giữa các ngành và nội ngành dựa vào lợi thế so sánh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; tập trung phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều lao động; tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp FDI; tham gia ở mức cao hơn, sâu hơn trong chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới, phấn đấu khoảng 58% số xã đạt chuẩn. Sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa, chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp khác có hiệu quả, thu nhập cao hơn. Kiên quyết chấm dứt tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và khai báo.

Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, nhất là du lịch. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng quy hoạch để thúc đẩy mạnh mẽ các vùng kinh tế trọng điểm, liên kết vùng và phát huy vai trò động lực của các đô thị lớn. Phát triển mạnh kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết Trung ương.

Viết Tôn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/pho-thu-tuong-vuong-dinh-hue-khong-ai-goi-banh-chung-bang-thit-ga-20191022191435818.htm