Phó Thủ tướng: Xem xét trách nhiệm Cục trưởng Quản lý thị trường Quảng Ninh
Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường xem xét trách nhiệm của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh và báo cáo lại trước ngày 1/9.
Kết luận hội nghị toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019, triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban chỉ đạo 138 và 389 quốc gia vào sáng nay, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đánh giá tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn bày bán công khai nhiều nơi.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, một bộ phận cán bộ công chức còn thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy trình công tác, có biểu hiện bao che, thậm chí có trường hợp bảo kê, vi phạm pháp luật, tham nhũng khi thi hành công vụ.
“Kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Chúng ta nói nhiều về trách nhiệm người đứng đầu nhưng thực tế chưa thực hiện nghiêm. Sau nhiều vụ việc xảy ra ở địa phương và TƯ vẫn chưa xem xét trách nhiệm người đứng đầu để xử lý đúng mức”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông yêu cầu đề cao trách nhiệm cùa người đứng đầu. Nếu tỉnh, thành phố nào xảy ra tình trạng bày bán, tàng trữ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc thì phải thay thế, điều chuyển người đứng đầu.
Phó Thủ tướng dẫn ngay vụ việc bày bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xảy ra ở Móng Cái, Quảng Ninh vừa phát hiện vào đầu tháng 7/2019 và yêu cầu "Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường xem xét trách nhiệm của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh, báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia trước ngày 1/9".
Thí điểm bổ nhiệm cục trưởng không phải người địa phương
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Tổng cục Quản lý thị trường tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao trình độ nghiệp vụ, trách nhiệm trong thực thi công vụ cho công chức quản lý thị trường.
“Nghiên cứu thưc hiện thí điểm không bổ nhiệm Cục trưởng Quản lý thị trường tại các địa bàn trọng điểm như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Long An, An Giang,... từ nguồn nhân sự tại chỗ hoặc người địa phương”, Phó Thủ tướng nói.
Ông đề nghị các bộ ngành nghiên cứu, đề xuất các chuyên đề ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Đồng thời, chỉ đạo làm rõ thông tin báo chí, nguời dân phàn ánh về buôn lậu, chuyển giá, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo ông, vấn đề gian lận xuất xứ của Việt Nam mà các tổ chức nước ngoài phát hiện ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đển quan hệ đối ngoại, xuất khẩu. Vì vậy các cơ quan chức năng cần phối hợp với Bộ Công an trong việc chỉ đạo điều tra, xử lý một số vụ việc điển hình.
“Đề nghị khảo sát kỹ, tập trung phối hợp với Bộ Công an, điều tra, xử lý nghiêm một số vụ, làm kỹ đúng bản chất, xác định rõ nhập hàng hóa từ nước ngoài vào rồi làm giả xuất xứ Việt Nam xuất đi nước ngoài”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dùng mạng xã hội bêu vi phạm
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh nêu thực tế vẫn còn tồn tại nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa được nhập lậu từ biên giới vào thị trường nội địa, trên bao bì, nhãn mác hàng có ghi dòng chữ "Made in Viet Nam".
Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng lợi dụng xuất xứ “Made in Vietnam” để đưa vào thị trường Việt Nam tiêu thụ một phần hoặc đưa đi xuất khẩu ở các thị trường khác.
“Trên thị trường hiện nay, những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo xuất xứ, gắn mác “Made in Viet Nam" phổ biến gồm: thực phẩm, rau củ quả; hàng dệt may; quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em; đồ dùng, thiết bị giáo dục, chất tẩy rửa, hàng gia dụng, điện gia dụng, điện tử, thiết bị xây dựng…”, ông Linh dẫn chứng.
Theo ông, phương thức, thủ đoạn giả mạo xuất xứ chủ yếu là thay nhãn, thay xuất xứ hàng hóa hoặc nhập nguyên liệu, bán thành phẩm hoặc sang chiết, đóng gói, thay nhãn, để đưa đi tiêu thụ trong thị trường nội địa.
Gần đây báo chí có phản ánh việc một số sản phẩm đặc trưng của Việt Nam khi xuất sang Mỹ bị giả mạo thương hiệu như trà, cà phê, nước mắm.
Từ đó, Tổng cục trưởng đề xuất hàng loạt giải pháp, kiến nghị. Trong đó, ông Linh đặc biệt lưu ý người tiêu dùng phải kịp thời thông tin, tố giác đến các cơ quan chức năng các trường hợp mua bán hàng hóa qua mạng vi phạm pháp luật để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Tổng cục trưởng cũng nhấn mạnh đến việc ứng dụng CNTT, mạng xã hội để thông tin rộng rãi các vụ việc vi phạm cho người tiêu dùng biết và tránh.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, 6 tháng đầu năm, TP đã kiểm tra, phát hiện hơn 21 nghìn vụ vi phạm, trong đó hàng cấm, hàng nhập lậu là hơn 19 nghìn vụ, hàng giả là 348 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 4.000 tỉ đồng. Các cơ quan chức năng cũng đã khởi tố 58 vụ việc.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 85,9 nghìn vụ vi phạm về gian lận thương mại. Thu nộp ngân sách trên 6,165 tỷ đồng; khởi tố 1.311 vụ (tăng trên 47% so với cùng kỳ năm ngoái) với 1.546 đối tượng (tăng trên 56% so cùng kỳ năm ngoái).