Phó tổng giám đốc Vinachem: Không đầu tư bằng mọi giá để đổi lấy tăng trưởng
Trong 2 năm 2024 - 2025, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) dự kiến thoái hết vốn tại 9 doanh nghiệp, đây là nguồn hàng được thị trường quan tâm. Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó tổng giám đốc Vinachem trả lời phỏng vấn Đầu tư Chứng khoán Tết Giáp Thìn.
Môi trường kinh doanh năm 2023 có nhiều biến động, đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó Vinachem và các đơn vị thành viên không là ngoại lệ. Ông có thể chia sẻ rõ hơn thực tế này?
Năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Lạm phát cơ bản tiếp tục giảm chậm, trong khi lạm phát tổng thể có dấu hiệu đảo chiều tăng trở lại do giá điện tăng, giá nhiều loại lương thực tăng, tỷ giá tăng. Tuy nhiên, lạm phát chủ yếu là do chi phí đẩy, giá cả những nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu tăng chậm thể hiện nhu cầu tiêu dùng yếu.
Trong khi đó, giá phân bón trên thị trường thế giới giảm sâu; tình trạng tăng nguồn cung nhập khẩu vào Việt Nam, nhất là phân bón và sản phẩm hóa chất; giá một số mặt hàng xuất khẩu (cao su, chất tẩy rửa, phân bón) giảm mạnh do hạn chế chi tiêu của các nước cũng gây khó khăn cho các đơn vị thuộc Tập đoàn.
Đặc biệt, quy định về thuế GTGT đối với sản phẩm phân bón vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền giải quyết tiếp tục làm tăng chi phí, tăng giá vốn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc bãi bỏ thuế tự vệ đối với phân bón DAP tiếp tục tạo ra sự cạnh tranh và gây bất lợi cho các đơn vị sản xuất phân bón trong nước, trong đó có các đơn vị trong Tập đoàn so với phân bón nhập khẩu.
Cũng không thể không kể đến tình trạng khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung các loại than cho sản xuất phân đạm urê, chất lượng than có thời điểm không phù hợp với công nghệ sản xuất gây ảnh hưởng tới thiết bị và công suất chạy máy. Bên cạnh đó, giá than các loại do TKV cung cấp vẫn duy trì ở mức cao (trong khi giá than thế giới đã giảm 63% so với năm 2022) gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất phân bón của Tập đoàn.
Một khó khăn khác là các bãi thải số 1, số 2 của Nhà máy tuyển Tằng Loỏng - Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam đã hết sức chứa.
Trong nguy có cơ, hoạt động của Tập đoàn có thuận lợi nhất định nhờ việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; giảm mặt bằng lãi suất cho vay; thúc đẩy giải ngân đầu tư công, kiểm soát lạm phát. Giá một số mặt hàng nông sản tăng, thúc đẩy nhu cầu đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón.
Đặc biệt, 3 đơn vị sản xuất phân bón thuộc Đề án 1468 được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cơ cấu nợ vay đầu tư tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, giảm chi phí tài chính, ổn định sản xuất - kinh doanh và góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Vậy đâu là những giải pháp then chốt đã giúp Tập đoàn hóa giải các thách thức kể trên?
Tập đoàn đã tập trung điều hành để đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh tại các đơn vị thành viên nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra; tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị cùng nhóm ngành sản xuất phân bón, cao su, hóa chất.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và nước ngoài; Tập trung mọi nguồn lực để phát triển thị trường, đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ có lợi thế nhất định của các sản phẩm chủ yếu của Tập đoàn; Triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để thúc đẩy tiêu thụ hàng sản xuất trong nước giữa Tập đoàn với các tập đoàn, tổng công ty trong nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn với nhau. Các đơn vị trong Tập đoàn phấn đấu đạt tỷ lệ mua bán nội bộ không thấp hơn 50% tổng lượng mua các vật tư cùng loại của đơn vị năm 2023.
Chúng tôi rà soát, cơ cấu lại tổ chức bộ máy của các doanh nghiệp thành viên theo định hướng tinh gọn, giảm đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành và kết quả kinh doanh.
Đối với các đơn vị còn vướng mắc, khó khăn, Tập đoàn và các đơn vị đồng thời chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể để ổn định sản xuất. Chủ động gắn sản xuất với thị trường để đảm bảo tồn kho nguyên vật liệu, sản phẩm ở mức hợp lý; đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả của quản lý nhằm giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh sản phẩm góp phần tăng hiệu quả chung của doanh nghiệp. Xử lý dứt điểm tranh chấp hợp đồng EPC để sớm thực hiện quyết toán các dự án.
Kết quả năm 2023 tiếp tục kế thừa sự trở lại và phát triển vượt bậc của Tập đoàn đã đạt được trong năm 2022. Điều gì đã đem đến những chuyển biến ấn tượng như vậy?
Năm 2023, Tập đoàn đều hoàn thành các chỉ tiêu và doanh thu đạt cao thứ 2 trong lịch sử hình thành và phát triển của Vinachem.
Để đạt được kết quả như vậy, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã đẩy mạnh thực hiện những định hướng xuyên suốt trong quá trình hoạt động. Trong đó, chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác phân tích, dự báo tình hình phát triển các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thuộc Tập đoàn; Phát huy tính năng động, sáng tạo tại các đơn vị thành viên trong nắm bắt các cơ hội thị trường gắn với nâng cao hiệu quả các biện pháp quản trị, điều hành linh hoạt và chặt chẽ, tăng cường kiểm tra giám sát để bảo đảm phát triển hiệu quả bền vững.
Vinachem đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt và đào tạo đội ngũ kế cận trong Tập đoàn và các đơn vị có năng lực, trình độ, ý thức tổ chức kỷ luật.
Không có đầu tư thì không có tăng trưởng, tuy nhiên Tập đoàn chủ trương không đầu tư bằng mọi giá để đổi lấy tăng trưởng. Các dự án đang triển khai và các dự án chuẩn bị đầu tư phải được cân nhắc, đánh giá trên cơ sở dự báo thị trường, khả năng tài chính của Tập đoàn để tính toán hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và vấn đề bảo vệ môi trường của dự án, đảm bảo sự phát triển bền vững khi dự án đi vào hoạt động.
Bước sang năm 2024, cũng là dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Vinnachem, Tập đoàn sẽ đặt ra những mục tiêu, tầm nhìn mới nào, thưa ông?
Năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là dấu mốc kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống ngành hóa chất, trước dự báo tình hình địa chính trị thế giới có thể diễn biến hết sức phức tạp, tác động vào nền kinh tế đất nước. Tập đoàn đã xác định mục tiêu và các giải pháp cơ bản nhằm hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2024. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá thực tế) năm 2024 là 53.261 tỷ đồng, bằng 106% ước thực hiện năm 2023; doanh thu cộng hợp 56.497 tỷ đồng, bằng 102% so với ước thực hiện năm 2023; lợi nhuận cộng hợp đạt 2.430 tỷ đồng.
Được biết, trong quý IV/2023, Đề án cơ cấu lại Vinachem đến năm 2025 đã được phê duyệt, trọng tâm các hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp sẽ được Tập đoàn và các đơn vị thành viên thực hiện trong năm 2024 - 2025 ra sao?
Căn cứ Quyết định số 1265/QĐ-TTg, năm 2024, Tập đoàn chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trong việc hoàn thiện Phương án sắp xếp, xử lý nhà đất của Công ty. Sau khi phương án sắp xếp được phê duyệt, Tập đoàn sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cổ phần hóa Công ty theo quy định; thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty dự kiến là ngày 1/1/2025.
Vinachem dự kiến thoái toàn bộ vốn tại 4 doanh nghiệp có vốn góp của Tập đoàn. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vinachem, trình cấp có thẩm quyền ban hành. Chỉ đạo xây dựng và phê duyệt đề án sắp xếp lại, tái cấu trúc 2 đơn vị sự nghiệp, bao gồm Trường Cao đẳng Công nghiệp Hóa chất và Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam.
Tập đoàn cũng tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo ý kiến của các cấp có thẩm quyền, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện.
Năm 2025, sẽ thực hiện công tác cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam theo quyết định cổ phần hóa của cấp có thẩm quyền. Thực hiện thoái vốn tại 5 doanh nghiệp có vốn góp của Tập đoàn.