Phó tổng thống Harris: Người nhập cư trái phép 'đừng tới Mỹ nữa'

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị phó tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris gửi những người có ý định nhập cư trái phép vào Mỹ thông điệp cứng rắn: 'Đừng tới nữa'.

Bà Harris đưa ra cảnh báo này trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei. Guatemala là điểm đến thứ nhất trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bà Harris từ khi được bầu vào vị trí phó tổng thống tháng 11/2020.

Từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết dỡ bỏ một số hạn chế được chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra với người nhập cư, bao gồm cho phép họ xin tị nạn ngay tại biên giới.

Tuy vậy, trong chuyến thăm này, bà Harris tái khẳng định quan điểm của Mỹ. Theo đó, hầu hết người nhập cư trái phép sẽ phải quay trở lại và xin tị nạn một cách hợp pháp ngay tại đất nước mình.

Kế hoạch tổng thể

Bà Harris được Tổng thống Biden giao nhiệm vụ đến Trung Mỹ để can ngăn những người có ý định nhập cư trái phép vào Mỹ. Ông Biden đang nhận chỉ trích của đảng Cộng hòa và một phần đảng Dân chủ vì sự gia tăng trong số lượng trẻ em nhập cư trái phép vượt biên từ Mexico.

Tuy vậy, chính quyền mới ở Mỹ vẫn tiếp tục chính sách trục xuất hầu hết người vượt biên trưởng thành của cựu Tổng thống Trump, dẫn tới chỉ trích của một số tổ chức về quyền con người.

Rachel Schmidtke, nhà vận động vì người tị nạn tại Mỹ Latin, cho rằng phát biểu của bà Harris xâm phạm quyền xin tị nạn của người di cư.

 Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei, bà Harris đã nói với những người dự định di cư trái phép rằng họ "đừng đến nữa". Ảnh: NBC.

Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei, bà Harris đã nói với những người dự định di cư trái phép rằng họ "đừng đến nữa". Ảnh: NBC.

Để ngăn chặn người nhập cư, nước Mỹ muốn giải quyết tận gốc qua việc cải thiện nền kinh tế các nước Trung Mỹ, giúp người dân có thêm cơ hội ngay tại quê nhà.

Phó tổng thống Harris công bố chính sách mới của Mỹ trong chuyến thăm Guatemala. Mỹ sẽ điều động quan chức của Bộ An ninh Nội địa đến giúp quan chức vùng biên giới Guatemala để đối phó với người di cư.

Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp sẽ thành lập lực lượng đối phó với các vụ án tham nhũng ở Guatemala có liên quan đến Mỹ, cũng như đào tạo công tố viên Guatemala.

Mỹ cũng sẽ đầu tư 48 triệu USD vào các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhà ở và nông nghiệp tại Guatemala. Đây là một phần của gói đầu tư 4 tỷ USD vào Trung Mỹ.

Trước đó, bà Harris đã nhận được lời hứa giúp các nước trong khu vực phát triển kinh tế từ một số tập đoàn lớn, trong đó có Mastercard và Microsoft.

Tuy vậy, Mỹ cũng phải đối mặt với thách thức trong việc đảm bảo số tiền đầu tư sẽ đến được với người dân - thay vì chảy vào túi các nhà thầu ở Mỹ hay quan chức Guatemala.

Bà Harris cũng khuyên những người muốn nhập cư nộp đơn ngay tại quê hương và chờ kết quả.

Mỹ đã công bố kế hoạch một trung tâm di cư mới ở Guatemala để người dân nước này có thể xin tị nạn ngay tại nước mình, thay vì phải vượt hàng nghìn cây số để đến biên giới Mỹ - Mexico.

“Không ai muốn rời nơi mình trưởng thành, rời người bà của mình, rời nơi họ cầu nguyện, nơi tương đồng ngôn ngữ và văn hóa”, bà Harris nói. “Họ chỉ rời đi với hai lý do: Chạy trốn mối đe dọa nào đó hoặc không được đáp ứng những nhu cầu sống cơ bản”.

 Lực lượng chức năng Guatemala chặn làn sóng người nhập cư từ Honduras đang tìm đường đến Mỹ. Ảnh: BBC.

Lực lượng chức năng Guatemala chặn làn sóng người nhập cư từ Honduras đang tìm đường đến Mỹ. Ảnh: BBC.

Thách thức còn đó

Ngôi làng Chex Abajo cách thủ đô Guatemala City 250 km là biểu tượng cho nhiệm vụ khó khăn mà bà Harris phải đối mặt.

Cư dân tại làng Chex Abajo chủ yếu là nông dân bản địa, sinh sống bằng nghề trồng ngô. Hai cơn bão vừa qua đã khiến 600 dân làng bị mất nhà cửa. Trong khi đó, thu nhập từ những cánh đồng ngô không còn ổn định, khi biến đổi khí hậu đã kéo dài mùa khô ở Guatemala.

Nhiều gia đình phụ thuộc vào khoản tiền mà người thân của họ gửi về từ Mỹ. Con đường chính của làng được đặt tên là “Ohio” vì nhiều dân làng đến bang Ohio, Mỹ để làm việc.

Ông Nicolas Ajanel Juarez, một lãnh đạo địa phương, cho rằng cộng đồng của ông không được đáp ứng những yêu cầu cơ bản, dù nhiều đời tổng thống Mỹ đã hứa hẹn. Người dân sẽ tiếp tục tìm cách đến Mỹ cho đến khi họ có công việc ổn định tại quê nhà, ông khẳng định.

“Sẽ là tốt nhất nếu các khoản hỗ trợ được chuyển trực tiếp đến đây, thay vì qua chính phủ”, ông nói. “Các chính trị gia không biết gì cả. Họ không đến đây để tận mắt chứng kiến nhu cầu của người dân”.

 Người nhập cư Trung Mỹ tại biên giới Mỹ - Mexico. Ảnh: NBC.

Người nhập cư Trung Mỹ tại biên giới Mỹ - Mexico. Ảnh: NBC.

Sau khi hội kiến Tổng thống Guatemala Giammattei, bà Harris có cuộc gặp với những phụ nữ tổ chức các chương trình giúp cộng đồng người bản địa phát triển như dạy nghề hay đào tạo kỹ năng kinh doanh.

Bà Harris hiểu ý nghĩa biểu tượng của việc nữ phó tổng thống đầu tiên của Mỹ chọn Guatemala là điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức.

Trong khi một nhóm người biểu tình giơ biểu ngữ phản đối chuyến thăm của bà, nhóm người khác, bao gồm nhiều phụ nữ, đứng sát hàng rào sân bay để chiêm ngưỡng chiếc Không Lực 2 của phó tổng thống Mỹ hạ cánh xuống Guatemala.

“Nếu giới tính của tôi, hay việc tôi là người đầu tiên, có thể có ảnh hưởng nào đó, tôi sẽ vui lòng chào đón”, bà Harris nói. “Ban có thể là người đầu tiên, nhưng hãy đảm bảo bạn không phải là người cuối cùng”.

Việt Hà

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/pho-tong-thong-harris-nguoi-nhap-cu-trai-phep-dung-toi-my-nua-post1224748.html