Phó Tổng thống Mỹ bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ, liệu có 'sáng cửa' ký thỏa thuận thương mại song phương?
Trong ngày 21/4, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Ấn Độ trong 4 ngày và dự kiến có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cùng vợ và hai con đến sân bay ở New Delhi, Ấn Độ. (Nguồn: ANI)
Báo The Guardian dẫn thông báo của Nhà Trắng nêu rõ, chuyến thăm tập trung vào "các ưu tiên chung về kinh tế và địa chính trị", trong khi Ấn Độ cho biết, chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ sẽ "mang đến cơ hội cho cả hai bên xem xét lại tiến trình trong quan hệ song phương".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal cho biết, New Delhi có đánh giá "rất tích cực" rằng, chuyến thăm của ông Vance sẽ "thúc đẩy hơn nữa" quan hệ song phương, đồng thời cam kết thảo luận "tất cả vấn đề có liên quan".
Các cuộc đàm phán tập trung vào việc đẩy nhanh hiệp định thương mại trong bối cảnh Washington áp dụng thuế quan toàn cầu. Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald trump áp thuế 26% lên hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ, dù quyết định này hiện đang tạm hoãn trong 90 ngày.
Trong khi đó, Reuters đưa tin, trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Vance sẽ gặp Thủ tướng Modi và dự kiến hai bên rà soát những tiến triển trong chương trình nghị sự song phương, vốn được thảo luận hồi tháng 2 khi nhà lãnh đạo Ấn Độ gặp Tổng thống Trump tại Washington, liên quan vấn đề "công bằng" trong thương mại và tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng.
Ấn Độ kỳ vọng sớm đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ trong thời gian nước này tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày. Tuy nhiên, các nguồn thạo tin cho rằng hai nước khó có thể ký kết bất kỳ thỏa thuận nào trong chuyến thăm của Phó Tổng Thống Mỹ.
Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ và thương mại song phương giữa hai nước đạt 129 tỷ USD trong năm 2024, trong đó mức thặng dư thương mại của Ấn Độ là 45,7 tỷ USD. Chuyến thăm Ấn Độ của Phó Tổng thống Vance diễn ra ngay sau khi người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ Tulsi Gabbard có mặt tại New Delhi để củng cố nhóm Bộ tứ (Quad - gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia).