Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc có mặt để tìm giải pháp cứu trợ khẩn cấp ở Sudan
Trước tình hình xung đột leo thang tại Sudan kéo theo cuộc khủng hoảng nhân đạo xấu đi nhanh chóng, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã cử Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo- cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths lập tức tới khu vực.
Hôm 1/5, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, trước cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xấu đi nhanh chóng ở Sudan, ông đã cử Phó Tổng Thư ký phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, Martin Griffiths, tới khu vực ngay lập tức.
“Quy mô và tốc độ những gì đang diễn ra tại Sudan là chưa từng có... Tôi một lần nữa kêu gọi (các bên xung đột) bảo vệ dân thường và tôn trọng các nhà hoạt động nhân đạo.”, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ.
Trước đó, ngày 30/4, nội dung trên đã được người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric, đưa ra trong một tuyên bố.
“Quy mô và tốc độ của những gì đang diễn ra là chưa từng có ở Sudan. Chúng tôi vô cùng lo ngại về tác động trước mắt cũng như lâu dài đối với tất cả người dân Sudan và toàn bộ khu vực.”, tuyên bố viết, kêu gọi tất cả các bên xung đột bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, tạo điều kiện cho dân thường sơ tán khỏi các khu vực chiến sự an toàn, tôn trọng nhân viên và tài sản của cơ quan nhân đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cứu trợ.
Chiều ngày 1/5, giờ Việt Nam, Phó Tổng Thư ký LHQ Griffiths cho biết, ông đang có mặt tại Nairobi theo yêu cầu của Tổng Thư ký LHQ, để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Kenya và khu vực về tình hình ở Sudan.
Theo ông Griffiths, hai tuần kể từ khi các cuộc xung đột nổ ra ở Sudan, tình hình nhân đạo tại nước này đang lên đến đỉnh điểm, đòi hỏi các hoạt động cứu trợ lập tức cho những người bị ảnh hưởng. “Giải pháp rõ ràng cho cuộc khủng hoảng này là ngừng giao tranh”, ông Griffiths tuyên bố.
Tình hình ở Sudan bắt đầu leo thang hôm 15/4, trong bối cảnh bất đồng giữa Tư lệnh quân đội đồng thời cũng là người đứng đầu Hội đồng cầm quyền chuyển tiếp Sudan, tướng Abdel Fattah al-Burhan và người đứng đầu lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF), tướng Mohamed Hamdan Dagalo, người cũng là cấp phó của ông al-Burhan tại Hội đồng cầm quyền chuyển tiếp.
Các điểm tranh chấp chính giữa hai lực lượng quân sự liên quan đến lộ trình và phương pháp thống nhất các lực lượng vũ trang của Sudan, sau khi RSF sáp nhập vào quân đội, cũng như ai nên được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh quân đội: một sĩ quan quân đội chuyên nghiệp, được cho là lựa chọn của ông Burhan, hoặc một Tổng thống dân sự được bầu, như Dagalo khẳng định.
Ngày 30/4, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA), cảnh báo, nước uống, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho sự sống còn của người dân Sudan đang rất khan hiếm ở vùng dân cư trong khu vực giao tranh.
Trong khi việc tiếp cận dịch vụ y tế khẩn cấp, cả với những người bị thương, bị hạn chế nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ các trường hợp tử vong.
Ngoài ra, theo OCHA, ảnh hưởng đối với sức khỏe tâm thần, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên, là không thể đo đếm được.
“Liên Hợp Quốc và các đối tác của chúng tôi đang cố gắng hết sức để khởi động lại hoạt động nhân đạo tại Sudan. Cướp phá hàng loạt văn phòng và nhà kho của các tổ chức nhân đạo đã làm cạn kiệt hầu hết các nguồn cung ứng của chúng tôi. Chúng tôi đang tìm kiếm những biện pháp khẩn cấp để tiếp cận và phân phối các nguồn cung ứng bổ sung.”, thông cáo của OCHA viết.
Theo Bộ Y tế Sudan, hơn 600 người đã thiệt mạng và gần 5.000 người khác bị thương tại nước này kể từ khi xung đột nổ ra.
Trong khi theo OCHA, khoảng 20.000 người Sudan đã phải rời bỏ nhà cửa sang nước láng giếng Chad ở phía tây để lánh nạn. Hàng chục ngàn người khác cũng đang cố gắng rời đi.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính có tới 100.000 người tị nạn Sudan có thể đến Chad trong những tuần tới và 170.000 người khác ở Nam Sudan, những quốc gia cũng đang phải vật lộn với nạn đói nghiêm trọng nhất thế giới.
Chương trình lương thực thế giới (WFP) cảnh báo, dòng người tị nạn Sudan tràn qua Chad đúng vào mùa giáp hạt, thời điểm dự kiến sẽ có khoảng 1,9 triệu người bị mất an ninh lương thực trầm trọng.