Phó Tổng thư ký VIAC: Tranh chấp liên quan đến các dự án năng lượng sẽ tiếp tục tăng

Phó Tổng thư ký VIAC Châu Việt Bắc nhận định các tranh chấp liên quan đến các dự án năng lượng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Ngày 28-12, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo “Phát triển năng lượng tái tạo nhìn từ Quy hoạch điện VIII: Khai thác dưới góc độ quy định pháp luật và thực tiễn”.

Phát biểu khai mạc, PGS-TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật nhận định năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của ngành năng lượng trên thế giới.

Ngày 15-5-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VIII).

 Luật sư Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký VIAC phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MINH CHUNG

Luật sư Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký VIAC phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MINH CHUNG

Theo đánh giá, Việt Nam hiện nay có đủ nguồn năng lượng tái tạo để xây dựng ngành điện quốc gia theo kịch bản phát triển năng lượng bền vững và Chính phủ cũng đang có những hướng đi mạnh mẽ thúc đẩy phát triển loại hình năng lượng này.

Tuy nhiên, khung pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, cũng như thực tế triển khai từ giai đoạn đầu tư đến vận hành phát sinh rất nhiều vấn đề, đặc biệt là rủi ro tranh chấp giữa các bên liên quan.

“Chính vì vậy, vấn đề về khung pháp luật cho phát triển năng lượng tái tạo cần phải được quan tâm nghiên cứu, làm rõ từ góc độ học thuật lẫn thực tiễn giải quyết tranh chấp”, PGS-TS Lê Vũ Nam nêu quan điểm.

Tại hội thảo, luật sư (LS) Châu Việt Bắc – Phó Tổng thư ký VIAC đã có một số chia sẻ từ góc độ đánh giá pháp lý và các vấn đề tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Theo ông Bắc, chúng ta chưa có khung pháp lý điều chỉnh riêng biệt cho lĩnh vực năng lượng. Không chỉ vậy, với một số vấn đề phát sinh liên quan đến giá điện, quy trình mua bán điện thời gian vừa qua, việc thực thi Quy hoạch điện VIII cũng trở nên thách thức hơn đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền.

Xét về mặt tranh chấp, thông qua thống kê của VIAC, LS Bắc nhận thấy rằng, các tranh chấp liên quan đến dự án năng lượng gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều hơn; chủ yếu ở một số giai đoạn như: đầu tư, xây dựng, vận hành dự án.

Ông Bắc nhận xét, với việc là một lĩnh vực mới, khung pháp lý chưa hoàn thiện, tỷ lệ tranh chấp trong lĩnh vực này có thể sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai.

Với tình hình đó, việc khắc phục trở ngại pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhà nước và các cơ quan, tổ chức chuyên trách cần nhanh chóng đưa ra các định chế, điều khoản để điều chỉnh chi tiết đối với lĩnh vực năng lượng.

“Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị chiến lược phù hợp để thích ứng với bối cảnh cho đến khi có quy định điều chỉnh và cùng đóng góp, hiến kế cho nhà làm luật để soạn thảo, cấu trúc các điều khoản hiệu quả, tạo thuận lợi cho quá trình đầu tư, vận hành các dự án về năng lượng tái tạo nói chung và các dự án về điện nói riêng”, LS Bắc nêu quan điểm.

Cũng tại hội thảo, TS-LS Lê Nết, Trọng tài viên VIAC cho biết theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu, nguồn khai thác chủ lực gắn với hoạt động điện lực trong tương lai.

Theo ông Nết, tuy Quy hoạch điện VIII đã có nhưng để thực sự đưa Quy hoạch này vào đời sống thì vẫn còn nhiều thách thức lớn. Trong đó, nhà đầu tư mong đợi những hướng dẫn chi tiết về nhiều vấn đề được đề cập tại văn bản này, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cơ chế giá điện, cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư…

Hội thảo lần này đã thu hút hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 200 người tham dự trực tuyến với nhiều tham luận có chất lượng.

MINH CHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/pho-tong-thu-ky-viac-tranh-chap-lien-quan-den-cac-du-an-nang-luong-se-tiep-tuc-tang-post769106.html