Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh nêu ý kiến về dạy thêm, học thêm
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia đánh giá tính ưu việt của Chương trình GDPT&SGK năm 2018, đồng thời chỉ ra những vướng mắc về đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học đáp ứng theo chương trình mới.
Ngày 29/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia tham gia phát biểu.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia đánh giá: Sau một thời gian tổ chức thực hiện, Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa 2018 đã thể hiện được nhiều ưu điểm, tích cực so với chương trình trước đó (2006); giáo viên và học sinh đều cho rằng, chương trình mới đảm bảo giáo dục toàn diện, thiết thực, hiện đại, hài hòa đức - trí - thể - mỹ; chú trọng thực hành và vận dụng kiến thức vào cuộc sống, phát huy tính chủ động và năng lực của mỗi học sinh. Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra những bất cập, khó khăn cần quan tâm tháo gỡ của chương trình.
Vướng mắc đầu thầu gây khó trong mua sắm trang thiết bị dạy học
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cho rằng, để đáp ứng theo yêu cầu dạy học mới, ngoài sách giáo khoa, cần đảm bảo cơ sở vật chất như phòng học, các thiết bị, đồ dùng dạy học theo phương pháp mới đáp ứng đồng bộ.
Tuy nhiên, khi triển khai chương trình, ngân sách Trung ương không bố trí, ngân sách địa phương rất khó khăn, thủ tục đầu thầu, mua sắm còn nhiều vướng mắc, vì vậy, đến nay, các cơ sở giáo dục phổ thông vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục cũng như tính ưu việt của chương trình mới.
Đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu dạy học chương trình mới
Đối với môn tích hợp khối trung học cơ sở, đại biểu Trần Đình Gia nhận định, ngành giáo dục đã tích cực tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên dạy tích hợp, đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện có nhưng giáo viên không có đủ thời gian, kinh phí và cũng chưa đủ năng lực để tiếp nhận lượng kiến thức rộng, mới. Trong khi đó, các trường sư phạm hiện chưa đào tạo kịp đội ngũ giáo viên dạy môn tích hợp. Các trường hiện nay vẫn chia lẻ các môn tích hợp để dạy riêng theo từng môn như cũ. Điều này rất ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả các môn học. Vấn đề này chắc chắn còn kéo dài trong nhiều năm tới mới có thể khắc phục được.
Đối với các môn học tự chọn khối trung học phổ thông, hiện nay, do giáo viên dạy các môn này không đủ ở các môn năng khiếu dẫn đến thực trạng môn có nhiều học sinh chọn thì không đủ hoặc không có giáo viên, các môn có giáo viên lại không có học sinh lựa chọn. Vì vậy, giáo dục các môn tự chọn ở phổ thông trung học hiện hiệu quả rất hạn chế.
Đối với khối tiểu học, theo quy định được bố trí tối đa 35 học sinh trên lớp. Thời gian gần đây số học sinh đầu vào cấp tiểu học tăng cao, nên các địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí giảng dạy do thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tin học và ngoại ngữ.
Thiếu quy định quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia phản ánh: Dạy thêm, học thêm là một nhu cầu trong xã hội từ trước đến nay, nếu được quy định cụ thể, quản lý chặt chẽ thì dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu chính đáng của xã hội.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vấn đề này còn thiếu các văn bản quy định cụ thể nên rất dễ bị lạm dụng, làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của ngành giáo dục, đồng thời cử tri thường xuyên có ý kiến phản ảnh.
Đại biểu Trần Đình Gia đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ngành, địa phương thường xuyên quan tâm, phối hợp cùng ngành giáo dục để giải quyết những bất cập nêu trên, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu của xã hội.