Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
BHG - Sáng 4.11, Quốc hội tiếp tục chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4. Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, 2 vấn đề:
Thứ nhất, thực trạng hiện nay việc phát triển hạ tầng viễn thông chưa đồng bộ, nhất là đối với các tỉnh miền núi, biên giới, các doanh nghiệp viễn thông chưa phát triển hạ tầng viễn thông tại khu vực này, do chưa đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Đề nghị Bộ trưởng cho biết chỉ đạo của Bộ về các chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông tại khu vực miền núi, biên giới, vùng lõm đối với các tập đoàn viễn thông qua Quỹ Viễn thông công ích đã và đang triển khai như thế nào, dự kiến bao giờ hoàn thành phủ sóng di động và cáp quang đến thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới?
Vấn đề thứ hai được đại biểu đề cập đó là chuyển đổi số cần có sự thống nhất từ T.Ư đến cơ sở để đảm bảo sự tích hợp và chia sẻ dữ liệu. Nhưng hiện nay hầu hết các nền tảng hệ thống phục vụ xây dựng chính quyền số chưa có sự thống nhất, mỗi địa phương, mỗi bộ, ngành đều có hệ thống khác nhau. Chi phí kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống tốn kém và khó khăn trong việc đồng bộ dữ liệu, Phó Trưởng đoàn đề nghị Bộ trưởng cho biết về giải pháp công tác quy hoạch dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin Quốc gia?
Trả lời 2 nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Quỹ Viễn thông công ích là quỹ ngoài ngân sách do các doanh nghiệp viễn thông đóng góp để thực hiện nhiệm vụ phủ sóng những vùng khó khăn, hỗ trợ cho người dân để sử dụng dịch vụ viễn thông và dịch vụ Internet hàng tháng. Việc này trước đây đã làm, bây giờ tiếp tục cho những hộ đặc biệt khó khăn, chủ yếu do các địa phương căn cứ vào danh sách hộ để đề xuất lên. Quỹ của hiện còn đủ để tiếp tục phủ sóng.
Liên quan đến các nền tảng thì chưa thống nhất nền tảng số. Rất nhiều hệ thống công nghệ thông tin rời rạc. Chúng ta có 2 giai đoạn, giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin cách đây 20 năm thì lúc đấy công nghệ chưa cho phép, cho nên bắt buộc phải mỗi xã một cái, mỗi huyện 1 cái, đúng là nó lặp lại nhau. Bây giờ sang thời chuyển đổi số thì có công nghệ gọi là công nghệ nền tảng, có nghĩa là có một cái nhưng 11.000 xã dùng chung. Hiện nay Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy rất mạnh việc này, thậm chí còn có văn bản yêu cầu các địa phương, các bộ, ngành nếu như phát triển một ứng dụng mới, một phần mềm mới không dưới dạng nền tảng thì không áp dụng.
Về công nghệ thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, giải pháp căn cơ là cho bà con phương tiện tiếp cận, cụ thể là sóng 3G, 4G, điện thoại thông minh. Trong Chương trình Viễn thông công ích, đã dành ra 400.000 điện thoại thông minh cho bà con, còn 400.000 Ipad cho học sinh chưa được triển khai, "Vấn đề đặt ra là chính quyền địa phương cung cấp thông tin về số hộ gia đình, bà con, học sinh để Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp phương tiện cho bà con".
Tiếp tục tranh luận tại phiên chất vấn, Phó Trưởng đoan Lý Thị Lan cho biết, Bộ trưởng đã có những chính sách quan tâm đến phát triển vùng đồng bào miền núi và biên giới. Nhưng hiện tỉnh Hà Giang còn có 154 thôn chưa được phủ sóng di động và 1.352 thôn chưa có cáp quang, Internet (chiếm 66,37 %) và tỉnh Hà Giang đã có văn bản số 888 của UBND tỉnh ngày 1.4.2022 gửi Bộ Thông tin và Truyền thông và Văn bản số 1749, ngày 26.5.2022 gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị hỗ trợ hoàn thành chỉ tiêu phát triển hạ tầng số năm 2022. Trong đó, đề nghị Bộ chỉ đạo các tập đoàn viễn thông thực hiện hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông qua Quỹ Viễn thông công ích. Đây không chỉ là ý kiến riêng của tỉnh Hà Giang mà còn là nguyện vọng của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, các tỉnh biên giới.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng sớm chỉ đạo các tập đoàn viễn thông hỗ trợ việc phát triển hạ tầng viễn thông qua Quỹ Viễn thông công ích để đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới sớm được tiếp cận với các dịch vụ công nghệ thông tin.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông khẳng định thông tin thôn bản lõm sóng đã gửi về Bộ chắc chắn Bộ nắm được và đưa vào chương trình, giải pháp để phủ sóng. Trừ những thôn bản quá phân tán, quá ít dân cư Bộ sẽ làm việc với các nhà mạng để có biện pháp giải quyết. Đối với những thôn chưa có cáp quang, Bộ trưởng cho biết cáp quang là một trong những phương tiện truyền dẫn. Nếu đưa được cáp quang thì tốc độ truy cập sẽ cao hơn nhưng ngoài cáp quang còn có phủ sóng di động và Bộ đang thực hiện trước chương trình phủ sóng.