Phố vắng em rồi!
Với niềm đam mê, Phan Toàn đã cố gắng duy trì một địa điểm duy nhất còn lại sinh hoạt hàng tuần có tính chuyên nghiệp, nhưng cuối cùng lực bất tòng tâm, Cuội Acoustic cũng thưa dần những hoạt động âm nhạc của mình và cũng đành gần như chấm dứt.
"Mưa khuya hắt hiu xuyên qua mành, tình ngăn cách rồi..."-tôi xin mượn lời bài hát của nhạc sĩ Mạnh Phát để nói về tình cảnh chia xa giữa người yêu âm nhạc Pleiku và những đêm ca nhạc cuối tuần có tính chuyên nghiệp, thời gian vắng nhau cũng phải hơn 2 năm rồi, kể từ ngày tôi viết về sân chơi cuối cùng là quán cà phê Cuội Acoustic (62 Đống Đa, TP. Pleiku).
Lúc đó, tôi đã gọi chủ quán Cuội Acoustic là kẻ lì lợm trong âm nhạc. Với niềm đam mê, Phan Toàn đã cố gắng duy trì một địa điểm duy nhất còn lại sinh hoạt hàng tuần có tính chuyên nghiệp, nhưng cuối cùng lực bất tòng tâm, Cuội Acoustic cũng thưa dần những hoạt động âm nhạc của mình và cũng đành gần như chấm dứt.
Sự thiếu vắng kể trên trong 2 năm cũng đã đủ cho người yêu âm nhạc của Phố núi nhớ và mong. Nhiều khán giả chia sẻ với tôi, nghe nhạc phòng trà là một nét văn hóa lành mạnh và có ý nghĩa. Lúc ấy, bạn bè đến Pleiku thường được mời đi nghe các giọng hát hay bản địa, như là một cách giới thiệu về nơi mình đang sống, rất thoải mái, thân ái, đúng nghĩa thư giãn và chi phí lại phải chăng.
Thiếu vắng hoạt động này là điều đáng tiếc! Thu nhập của giới hoạt động âm nhạc thực ra gần như không ảnh hưởng gì khi Phố núi không còn các phòng trà, thu nhập chính của anh chị em phần lớn là thù lao ở các tiệc cưới, sự kiện... Tuy nhiên, có một nghịch lý là trong mảng mưu sinh đó, “tay nghề” không hề được họ quan tâm, có lẽ dù sao cũng chỉ là “phụ diễn”. Cùng với khán giả, họ cũng nhớ quay quắt các sân chơi bắt họ phải cẩn trọng trong từng làn hơi, mỗi ngón đàn trước những khán giả khó tính.
Thu Hồng-một giọng ca được cảm tình của nhiều người-chia sẻ: “Đó chính là cảm hứng và động lực để tôi cố gắng hát hết sức, không được xem nhẹ, hồi đó lỡ gặp sự cố khi biểu diễn là về nhà trăn trở, gần như không ngủ được”.
Hiện nay, những hoạt động có yếu tố âm nhạc ở Pleiku vẫn đây đó sáng đèn, nhưng khó có thể gọi là phòng trà đúng nghĩa khi người hát cũng là người nghe. Nói đúng hơn thì đây là những buổi sinh hoạt ca hát của những người ưa thích nhạc, họ đến, nghe và hát, đóng góp chi phí qua phần phụ thu, nó khác với phòng trà, ở các tụ điểm này khán giả trả tiền để được hát, đây là một niềm đam mê cần ghi nhận. Các ca sĩ như: Hồng Son, Phi Vân, Thu Hồng thỉnh thoảng cũng xuất hiện ở quán Rạng Đông, Ngộ Coffee... vì theo họ, quá nhớ ánh đèn sân khấu.
Tối thiểu chi phí cho trang bị, nhạc công và nhiều thứ khác, nhưng gánh nặng đầu tư ban đầu và lượng khách không như ý gần như đã đẩy hầu hết các địa chỉ đang hoạt động vào tình trạng “cố cho qua ngày”. Không khí ảm đạm của hoạt động âm nhạc đã bắt đầu xuất hiện khoảng 4 năm trước và không chỉ ở Phố núi. Năm ngoái, tôi có dịp gặp và trò chuyện với người quản lý phòng trà Đồng Dao-một cái tên rất nổi tiếng ở Sài Gòn, anh than thở khá nhiều về việc không thể giải quyết ổn thỏa bài toán nghệ thuật và kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.
Từ Tết Nguyên đán đến nay, sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như đòn đánh bồi quyết định khi tất cả cần phải tuân thủ các quy định về phòng-chống dịch. Tôi không hề có ý định phân tích các nguyên nhân trước đó, nhưng chắc chắn không thuộc về những người trong giới hoạt động âm nhạc và khán giả khi cả hai đang có nỗi nhớ không hề nhỏ và rất mong mọi thứ lại hồi sinh.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8213/202008/pho-vang-em-roi-5697231/