Phó Vụ trưởng hơn 30 tuổi không phải vấn đề, quan trọng đúng quy trình là được!
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, công tác cán bộ rất cần những người trẻ đủ đức, đủ tài, đủ bản lĩnh. Thậm chí, cán bộ ở độ tuổi trên dưới 30 là rất đáng quý.
Những ngày qua, thông tin Tổng cục Hải quan có tân vụ phó 34 tuổi đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
Theo plo.vn, Tổng cục Hải quan vừa tổ chức lễ trao quyết định về việc điều động, bổ nhiệm ông Trần Lê Thăng - Trưởng phòng Tổng hợp, Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Hải quan, kể từ ngày 01/10/2023.
Theo đó, ông Trần Lê Thăng (sinh năm 1989, quê quán Nghệ An), có trình độ thạc sĩ, cao cấp lý luận chính trị. Ông Trần Lê Thăng từng công tác ở Sở Tư pháp Nghệ An, Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An. Từ tháng 11/2015 đến 7/2017, ông Trần Lê Thăng là thư kí Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sau đó ông Thăng về làm việc tại Tổng cục Hải quan cho đến nay. [1]
Không nên quan niệm máy móc rằng “cán bộ trẻ thì chưa đủ tin cậy”
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cũng cho rằng: “Công tác cán bộ là một vấn đề then chốt, vấn đề chiến lược của Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền, việc lựa chọn được đúng cán bộ vừa có đủ tài năng, trình độ, đạo đức, nhân cách, là có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, là vấn đề mà Đảng luôn luôn quan tâm.
Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua, cũng nhấn mạnh điều đó. Đặc biệt, đối với vấn đề quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV tới đây, lựa chọn cán bộ là vấn đề cốt yếu, phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng chỉ rõ vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức trong sự nghiệp cách mạng và chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Từ đó, không nên quan niệm một cách máy móc rằng “cán bộ trẻ thì chưa đủ tin cậy”, điều đó không đúng. Cán bộ càng trẻ mà càng có năng lực, trình độ và khả năng hoàn thành nhiệm vụ, thì đó là dấu hiệu đáng mừng. Chúng ta đang rất cần những cán bộ trẻ. Thậm chí, bây giờ cán bộ lãnh đạo ở độ tuổi trên dưới 30 là rất đáng quý.
Theo tôi, cũng nên tạo điều kiện cho người trẻ trong công tác cán bộ, có lúc chúng ta đã tính đến chuyện cán bộ cấp vụ ở các cơ quan Trung ương trong khoảng gần 40 tuổi, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh ở độ tuổi trên 40,... chứ nếu chỉ quy hoạch ở độ tuổi cao hơn thì cũng không nên.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tính đến 3 độ tuổi: cao (trên dưới 60 tuổi), trung bình (40-50 tuổi) và trẻ (dưới 40 tuổi, thậm chí dưới 30 tuổi thì càng tốt)”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc cũng nhấn mạnh, độ tuổi cũng chỉ là một tiêu chí, còn quan trọng nhất là phải xem xét trình độ, tri thức, năng lực làm việc, đạo đức, phẩm chất, lý tưởng, trách nhiệm... để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, về độ tuổi, càng trẻ càng tốt, để có thể cống hiến lâu dài.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cũng lập luận: “Mặc dù, mỗi thời kỳ sẽ có những điểm khác nhau, tuy nhiên, trước đây, khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời khi đó có không ít cán bộ lãnh đạo trẻ, nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Vì vậy, theo tôi, cũng nên ủng hộ các cán bộ trẻ, nhất là những người trẻ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung. Những điều đó đối với cán bộ lớn tuổi cũng cần thiết, nhưng đặc biệt với cán bộ trẻ thì lại càng phải để ý”.
Dù là “con ông cháu cha” nhưng lại đủ đức, đủ tài, thì nên cảm thấy tự hào
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm: “Cá nhân tôi cho rằng các bạn trẻ bây giờ đa phần rất giỏi. Và khi họ đã tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phát triển tốt và hội tụ đầy đủ các tiêu chí..., chúng ta phải tạo mọi điều kiện để lực lượng cán bộ này phát triển sớm. Theo tôi, thậm chí là 30 tuổi đã quy hoạch cấp vụ được rồi, chứ không phải chờ đến 34 hay 40 tuổi.
Ở đây, tôi muốn nói là nếu đủ trình độ, năng lực, bản lĩnh, phẩm chất, thì quy hoạch càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, bổ nhiệm xong không có nghĩa là xong. Dân gian xưa thường có câu “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”, dù sao tuổi trẻ cũng chưa có nhiều kinh nghiệm như thế hệ đi trước.
Công tác cán bộ hãy làm một cách thật vô tư, vì lợi ích xây dựng đất nước. Và đương nhiên, những người giới thiệu cán bộ cũng cần phải chịu trách nhiệm. Không phải chỉ thông qua lời nói suông, mà phải tiếp tục bồi dưỡng, giúp đỡ, tạo điều kiện để người đó hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không những chỉ dừng lại ở đó, mà còn có thể tiến bộ xa hơn.
Như vậy mới là đào tạo cán bộ. Chúng ta đào tạo cán bộ trẻ để làm gì? Để một là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước mắt, và hai là mục tiêu lâu dài có cán bộ chiến lược sau này”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, thời gian qua, cũng đã có một số trường hợp “con ông cháu cha”, có người thân là “bệ đỡ” cho quy trình bổ nhiệm... đã tạo dư luận xấu trong xã hội.
“Đấy là những trường hợp hay được gọi là “con-cháu-các-cụ-cả”, hay “nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế”... Tất cả là lời cảnh báo để những người có quyền hạn trong việc bổ nhiệm cán bộ phải suy nghĩ, đừng để mất uy tín của Đảng, đừng làm mất niềm tin của nhân dân vào hệ thống, bộ máy cán bộ của nhà nước.
Chứ không phải vì thế mà hạn chế không cho cán bộ trẻ phát triển. Đó lại là sai lầm.
Hai chuyện này khác nhau hoàn toàn: Tôi không đồng tình với việc “con ông cháu cha” không đủ điều kiện mà vẫn được cất nhắc, bổ nhiệm không đúng tiêu chuẩn. Nhưng ngược lại, tôi cũng không đồng tình với việc vì định kiến “con ông cháu cha” mà “ngại ngùng”, không bổ nhiệm cho người có thực tài” - ông phân tích.
Cuối cùng, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng nhất là quy trình bổ nhiệm, cách thức bổ nhiệm và mục đích, mục tiêu bổ nhiệm. Thứ nhất, phải bổ nhiệm đúng người, đúng việc. Thứ hai, phải qua thử thách, hoàn thành thật tốt, thật xuất sắc nhiệm vụ được giao thì mới được bổ nhiệm ở vị trí cao hơn, chứ không phải chỉ cần đi học về có kết quả tốt là bổ nhiệm ngay vào vị trí cao hơn.
Chính vì vậy, tôi ủng hộ cán bộ trẻ càng lên nhanh càng tốt, tuy nhiên, phải đúng tiêu chuẩn, có lộ trình và phải được công khai, minh bạch, để ai cũng có thể đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, tôi cũng xin nhắc lại, “nhân vô thập toàn”, người lớn tuổi cũng chưa chắc đã hoàn hảo chứ không nói đến người trẻ, cho nên, phải nhìn vào những ưu điểm tốt nhất của bản thân cán bộ đó, và có đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ở vị trí được bổ nhiệm hay không để đánh giá”.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc cũng bày tỏ: “Chỉ cần công tác chọn cán bộ thực sự công tâm, khách quan, nhất định sẽ chọn được những cán bộ giỏi, cán bộ tốt, đáp ứng được nhu cầu công việc, chứ không nên chỉ đánh giá qua độ tuổi, rằng còn trẻ thì độ tin cậy kém. Nhiều cán bộ trẻ rất giỏi, rất năng động, dám nghĩ, dám làm, không ngại va chạm.
Nếu một cán bộ trẻ được trọng dụng, cho dù là “con ông cháu cha” nhưng lại có thực lực, đủ đức, đủ tài, thì càng nên cảm thấy tự hào, vì thế hệ trẻ đó đã kế tục thống của cha ông. Điều đó là rất đáng quý!”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://plo.vn/tong-cuc-hai-quan-co-tan-vu-pho-34-tuoi-post754193.amp