Phố Wall mất điểm khi dữ liệu lạm phát của Mỹ cao hơn dự báo
Các chỉ số chính của Phố Wall đã trượt giảm sau khi dữ liệu lạm phát tiêu dùng của Mỹ cao hơn dự kiến đã đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất sớm và khiến lợi suất Kho bạc Hoa Kỳ tăng cao…
Kết thúc phiên 13/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 522,05 điểm (-1,36%) xuống 38.275,33 điểm, S&P 500 mất 68,14 điểm (-1,37%) và đóng cửa ở mức 4.953,70 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite trượt 282,64 điểm (-1,79%) còn 15.659,91 điểm.
Chỉ số Dow Jones ghi nhận mức giảm phần trăm trong một ngày lớn nhất trong gần 11 tháng sau khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy dữ liệu giá tiêu dùng tăng cao hơn dự báo vào tháng 1/2024 giữa bối cảnh chi phí nhà ở leo dốc.
Thị trường đã phục hồi trong năm nay nhờ niềm tin rằng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 5/2024. S&P 500 lần đầu tiên đóng cửa ở mức trên 5.000 điểm vào cuối tuần trước. Vào đầu tuần này, chỉ số Nasdaq cũng nhanh chóng vượt qua mức đóng cửa kỷ lục kể từ tháng 11/2021.
Tuy nhiên, sau khi dữ liệu lạm phát mới nhất được công bố, đặt cược cho việc cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 5 đã giảm xuống 36,1%, từ mức 58% trước đó, công cụ CME FedWatch cho thấy.
“Nhiều thống đốc của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã đưa ra nhiều tín hiệu khác nhau cho thấy việc cắt giảm mà thị trường dự kiến trong nửa đầu năm có thể là quá sớm. Hiện tại, dữ liệu CPI chắc chắn đang khẳng định lại bức tranh đó”, Bob Elliott, giám đốc đầu tư tại Unlimited Funds nhận xét.
Chỉ số biến động Cboe, thước đo nỗi sợ hãi trên thị trường, đạt mức cao nhất kể từ tháng 11.
Các công ty vốn hóa lớn nhạy cảm với lãi suất như Microsoft, Alphabet, Amazon.com và Meta Platforms đều chứng kiến mức giảm từ 1,6% đến 2,2%, do lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong hai tháng.
Hầu hết các cổ phiếu chip như Micron Technology, Qualcomm và Broadcom cũng đi xuống, kéo chỉ số Philadelphia SE Semiconductor giảm 2%.
Bất động sản, hàng tiêu dùng không thiết yếu và tiện ích dẫn đầu đà giảm trong số 11 chỉ số ngành thuộc S&P 500, với bất động sản chạm mức thấp nhất trong hơn hai tháng.
Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 cũng hạ 4,3%, mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 16/6/2022.
Cổ phiếu của Arista Networks giảm 5,5% sau khi nhà cung cấp giải pháp đám mây dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp trong quý hiện tại thấp hơn kỳ vọng, tương tự như Marriott International khiến cổ phiếu mất giá.
Công ty phần mềm Cadence Design Systems giảm 4% do dự báo doanh thu hàng quý ảm đạm, trong khi cổ phiếu của nhà sản xuất đồ chơi Hasbro thua lỗ nặng nề vì doanh thu và lợi nhuận trong quý nghỉ lễ giảm mạnh hơn dự kiến.
Trong số các cổ phiếu dẫn đầu, JetBlue Airways tăng vọt 21,6% sau khi nhà đầu tư Carl Icahn báo cáo sở hữu 9,91% cổ phần, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng cổ phiếu của hãng này đang bị định giá thấp.
Cổ phiếu Tripadvisor thêm 13,8% khi công ty cung cấp tư vấn du lịch trực tuyến thành lập một ủy ban đặc biệt để đánh giá các đề xuất thỏa thuận.
Khối lượng trên các sản chứng khoán của Mỹ là 12,9 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,71 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần đây.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng cao hơn vào phiên 13/2 do căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và Đông Âu tiếp tục là tâm điểm của sự quan tâm.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 77 cent, tương đương 0,94% ở mức 82,77 USD/thùng, dầu thô WTI tăng 95 cent, tương đương 1,24%, ở mức 77,87 USD/thùng.
Giá dầu gần như không thay đổi vào 12/2 sau khi leo vọt 6% vào tuần trước, phần lớn do các diễn biến mới tại xung đột ở Trung Đông và làm dấy lên lo ngại về triển vọng nguồn cung dầu toàn cầu.
Báo cáo mới của chính phủ Mỹ mới đây cho thấy lạm phát tiêu dùng vẫn tăng cao trong tháng trước. Các nhà hoạch định chính sách của Fed hiện được cho là sẽ chần chừ hơn trong việc cắt giảm lãi suất. Điều này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về dầu, đồng thời cũng đẩy USD lên mức cao và làm giảm nhu cầu đối với những người mua thanh toán bằng các loại tiền tệ khác.