'Phố Wall Sài Gòn' hơn 150 năm trước
Ai từng đến Bến Chương Dương (nay là đoạn mở đầu đại lộ Võ Văn Kiệt), đường Hàm Nghi, Nguyễn Công Trứ (quận 1, TPHCM) hẳn không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhiều tòa nhà đồ sộ, kiểu cổ điển và hiện đại đều là trụ sở ngân hàng, công ty tài chính hay đơn vị chứng khoán. Điều lý thú, khu phố này không phải chỉ mới có vài chục năm nay, mà đã hình thành từ hơn 150 năm trước và có thể coi là trung tâm tài chính quốc tế 'thủy tổ' của Việt Nam.

Tòa nhà Ngân hàng HSBC của Anh thập niên 1930 tại góc Bến Chương Dương-Hồ Tùng Mậu, nay do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Ảnh: TƯ LIỆU
“Cặp kè” giao thương - tín dụng - bảo hiểm
Khi quy hoạch đô thị Sài Gòn tân tiến ngay từ cuối thập niên 1860, người Pháp đã chú ý định hình “khu phố kim tiền” nằm liền kề thương cảng. Thật vậy, Thương cảng Sài Gòn trải dài từ Công trường Mê Linh đến cảng Khánh Hội, có các tòa nhà quan trọng liên hoàn với nhau là Nha Quan thuế, Nha Thương cảng và Nhà Rồng (1). Còn “khu phố kim tiền” bắt đầu từ ngã ba D’Adran (Hồ Tùng Mậu) - Quai de Belgique (Bến Chương Dương), đến cầu Ông Lãnh. Đây là nơi đặt trụ sở ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm, xuất nhập khẩu, hàng hải và kể cả lãnh sự quán, cùng các tiện nghi phục vụ cho giới doanh thương.
Cả hai chỉ cách nhau một khoảng ngắn! Nếu đi đường Napoléon (Tôn Đức Thắng) chỉ khoảng 100m. Còn băng qua kênh Tàu Hủ bằng ghe thuyền cũng rất gần. Việc kết nối thương cảng và “khu phố kim ngân” - nói như ngôn ngữ ngày nay chỉ là “30 giây”, sau khi cầu Mống xây xong năm 1894 và cầu Quay Khánh Hội - hoàn thành năm 1904. Thuở đầu, “khu phố kim tiền”, nằm trọn trong tứ giác, cạnh dài nhất là Bến Chương Dương, cạnh ngắn nhất là Hồ Tùng Mậu (thông ra đại lộ Nguyễn Huệ), hai cạnh còn lại là đại lộ Hàm Nghi và đường Calmette.
Như vậy, “khu phố kim tiền” có vị trí rất “đắc địa” vì không những gần thương cảng mà còn đi liền với ngôi chợ lớn nhất thành phố. Không phải ngẫu nhiên, khi dời chợ Bến Thành cũ ra vị trí hiện giờ, chính quyền Pháp cho xây dựng tại đây tòa nhà Kho bạc Nam Kỳ, trụ sở một đơn vị tài chính công, nằm trong khoảng cách đi bộ với các đơn vị tài chính tư. Thêm nữa, con đường dọc kênh Tàu Hủ là con đường chính dẫn vào Chợ Lớn- trung tâm thương mại, đầu mối thu mua nông sản của người Hoa, đồng thời là nơi đặt các nhà máy xay xát lúa, sơ chế nông sản và sản xuất hàng thủ công quy mô lớn.
Việc sắp xếp “khu phố kim tiền” và khu thương cảng “cặp kè” bên nhau như vậy là rất thuận lợi cho kinh doanh. Tại đây, giới thương buôn, chủ tàu, thuyền trưởng, kho vận, tín dụng và bảo hiểm có thể gặp nhau dễ dàng để nắm bắt tin tức, và bàn thảo làm ăn. Một trong những nơi tụ tập của giới kinh doanh và “dân áp-phe” (affairs, tức những người môi giới) ở Sài Gòn trước năm 1945 là nhà hàng Nam-kin ở số 11-13 Lefèbreve (Nguyễn Công Trứ) nằm trong “khu phố kim tiền”. Đó cũng là cách quy hoạch phố phường tương tự các thành phố cảng như Marseilles, Bordeaux (Pháp), London (Anh), New York (Mỹ), Hồng Công, Thượng Hải (Trung Quốc) và Singapore.
Những “tài phiệt”...
“Khu phố kim tiền” vẫn còn đấy những tòa nhà lớn lao, từng một thời là trụ sở đồng thời là biểu tượng của các nhà tài phiệt thời Pháp. Soi bóng trên dòng nước kênh Tàu Hủ, nằm gần bên cầu Mống là một tòa nhà màu xám bạc - năm tầng khổng lồ. Tòa nhà có bốn mặt tiền, chiếm trọn một ô phố, xây dựng trong các năm 1929-1930. Đây là đại bản doanh của Banque de l’Indochine (BIC) - Ngân hàng Đông Dương - một ngân hàng tư nhân Pháp (1875), có trụ sở chính ở Paris nhưng được quyền phát hành tiền và nhiều dịch vụ tài chính quan trọng ở Đông Dương. Tòa nhà này nay là trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại TPHCM.

Khu phố tài chính - ngân hàng của Sài Gòn hình thành từ cuối thế kỷ 19 đến nay còn dấu tích nằm giữa Bến Chương Dương (đại lộ Võ Văn Kiệt và đại lộ Hàm Nghi} với kiến trúc tiêu biểu là tòa nhà Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước) có mái ngói đỏ chiếm 4 mặt đường. Ảnh: PHÚC TIẾN
Gần bên tòa nhà BIC, có một tòa nhà cùng mang màu xám bạc, nằm ở góc đường Võ Văn Kiệt - Hồ Tùng Mậu hiện tại. Được xây cất cùng thập niên 1930 với tòa nhà BIC và ở quy mô nhỏ hơn nhưng tòa nhà này vẫn có vẻ đường bệ riêng biệt. Nơi đây nguyên là trụ sở của Ngân hàng Hongkong and Shanghai (HSBC), một ngân hàng do tư bản Anh thành lập tại Hồng Công từ năm 1865 và ngay năm 1870 đã mở chi nhánh tại Sài Gòn. Kế cận nó, trên đường Hồ Tùng Mậu có hai tòa nhà lớn khác nguyên là trụ sở Ngân hàng Standard Chartered của Anh và Công ty Thương mại Dainan Koosi, một nhánh của Tập đoàn Matsushita của Nhật. Sau tháng 4-1975, cả ba tòa nhà trên đều do các đơn vị nhà nước quản lý. Trong khi ấy tòa nhà Banque Franco Chinoise pour le Commerce et l’Industrie (BFC), tức Ngân hàng Pháp - Hoa Thương mại, gọi tắt là Ngân hàng Pháp - Hoa bốn tầng xuất hiện lừng lững ở góc đường nay là Hàm Nghi và Hải Triều. Trong khu phố “kim ngân”, ngoài các tòa nhà ngân hàng nêu trên, còn có một tòa nhà tuy không phải là ngân hàng nhưng có địa vị rất oai quyền. Đấy là trụ sở Phòng Thương mại, xây dựng khoảng năm 1927-1928, hiện là trụ sở Sàn giao dịch Chứng khoán TPHCM. Tòa nhà này là nơi gặp gỡ của toàn bộ doanh nhân - không phân biệt quốc tịch hoạt động ở Sài Gòn và Nam kỳ.
Thời Pháp,“khu phố kim tiền” có đến hàng chục ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm và các công ty hàng hải, xuất nhập khẩu “đóng quân”. Sang thời kỳ 1954-1975, chỉ riêng ngân hàng, đã có đến 32 đơn vị bao gồm 18 Việt Nam và 14 nước ngoài, đặt trụ sở san sát ở nhiều cao ốc trên đại lộ Hàm Nghi, Bến Chương Dương và Nguyễn Công Trứ.
Ngày nay với sự phát triển của kinh tế số, viễn thông cực nhanh, lại thêm các thuật toán của AI, chắc chắc việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế sẽ không chú trọng đến yếu tố địa ốc hay nhà cửa. Quan trọng hơn cả vẫn là hàng hóa, phương tiện viễn thông và đặc biệt là luật lệ và nhân lực có đủ sức thu hút các nguồn vốn quốc tế, các doanh nghiệp quốc tế đổ về hay không?
Đó có lẽ là bài học của “Phố Wall Sài Gòn” từ hơn 150 năm trước để chúng ta suy ngẫm và học hỏi!
(1) Tòa nhà Hải quan xây dựng khoảng năm 1863, lúc đầu là khách sạn Cosmopolitan, sau đó chính quyền thuộc địa mua lại làm trụ sở Quan thuế Đông Dương, nay là trụ sở Chi cục Hải quan Khu vực II. Tòa nhà Nha Thương cảng xây dựng trễ hơn, đã bị phá bỏ, hiện là vị trí cao ốc Saigon One Tower. Còn tòa Nhà Rồng xây dựng 1863-1865 là nơi đặt trụ sở hãng tàu của nhà nước Pháp Messageries Impériale (về sau đổi là Messageries Maritimes). Sau 1954, nó trở thành trụ sở của Ban giám đốc Cảng Sài Gòn, nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM. Tòa nhà nằm ở vị trí mũi tàu của cảng Khánh Hội.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/pho-wall-sai-gon-hon-150-nam-truoc-post793103.html