Phối hợp bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực giáp ranh
Khu vực giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang là các địa điểm thường được các đối tượng thù địch, tội phạm ẩn náu và gây mất an ninh trật tự (ANTT). Để bảo đảm ANTT trong vùng, nhất là trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, công an các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn.
Khu vực giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang là các địa điểm thường được các đối tượng thù địch, tội phạm ẩn náu và gây mất an ninh trật tự (ANTT). Để bảo đảm ANTT trong vùng, nhất là trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, công an các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn.
Tiềm ẩn nhiều vụ việc phức tạp
Mới đây, Công an tỉnh Tây Ninh và Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp triệt phá một đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ Cam-pu-chia về Việt Nam tiêu thụ. Qua điều tra, nghiên cứu, lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện đối tượng điều khiển xe ô-tô chạy về hướng TP Hồ Chí Minh trên quốc lộ 22B, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đang vận chuyển 5kg ma túy tổng hợp. Qua khai thác, lực lượng chức năng phát hiện đối tượng này còn cất giấu ma túy tại TP Hồ Chí Minh nên phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh khám xét nơi ở của các đối tượng liên quan và đã phát hiện thêm nhiều ma túy, tang vật. Ðây là một trong các vụ việc được Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với các địa phương giáp ranh triệt phá thành công.
TP Hồ Chí Minh và các địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu, Ðồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang) nằm gần trọn trong vùng Ðông Nam Bộ và một phần vùng Tây Nam Bộ với 47 địa bàn giáp ranh cấp thành phố, quận, huyện, thị xã (sáu thành phố, năm quận, 32 huyện, bốn thị xã) và hơn 170 địa bàn giáp ranh cấp phường, xã, thị trấn. Với vị trí địa lý đó, đây là khu vực kinh tế - chính trị trọng điểm phát triển năng động của Nam Bộ và cả nước, là đầu mối kinh tế giao lưu trong khu vực Ðông - Nam Á và
thế giới. Nhiều năm qua, những mặt trái của quá trình đô thị hóa nhanh chính là việc TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đó trở thành nơi tập trung đông người nhập cư từ các tỉnh, thành phố trên cả nước về cư trú, làm ăn sinh sống, phát sinh tệ nạn xã hội. Theo công an các địa phương nêu trên, các loại tội phạm về ma túy, cờ bạc, game bắn cá, tội phạm lừa đảo công nghệ cao,… tiếp tục diễn biến phức tạp. Ðặc biệt là xu hướng hình thành các băng nhóm tội phạm hoạt động liên tỉnh, thành phố; tụ tập gây rối ANTT, đua xe trái phép, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nguy hiểm, nghiêm trọng, hình thành các băng nhóm thanh toán lẫn nhau... Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, tại địa bàn bảy tỉnh, thành phố đã xảy ra 28.347 vụ phạm pháp hình sự. Riêng trong hai năm 2018, 2019 đã xảy ra 20.435 vụ phạm pháp hình sự, chiếm tỷ lệ 19,56% số vụ phạm pháp hình sự của cả nước. Tại 47 địa bàn giáp ranh cấp huyện của bảy tỉnh, thành phố xảy ra 16.349 vụ, chiếm tỷ lệ 57,67% số vụ phạm pháp hình sự.
Cần quyết liệt và đồng bộ hơn
Với mục tiêu phối hợp bảo vệ ANTT trên địa bàn các tỉnh, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian qua, lực lượng công an bảy tỉnh, thành phố thường xuyên xây dựng, triển khai kế hoạch phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, chuyển hóa địa bàn; đấu tranh kịp thời với các băng nhóm tội phạm. Ngoài ra, các đơn vị cũng tập trung tổ chức phối hợp kiểm tra hành chính, tuần tra kiểm soát các tuyến đường giáp ranh giữa các địa bàn, với các hoạt động phòng, chống đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng góp phần kéo giảm tai nạn giao thông; phối hợp tuần tra kiểm soát các tuyến đường sông giữa các địa phương; triển khai phối hợp hỗ trợ công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và tổ chức phối hợp công tác đưa, dẫn đoàn giữa các tỉnh, thành phố để không xảy ra sự cố, sai sót. Bên cạnh những hoạt động đạt kết quả tích cực, các đơn vị cũng triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để khắc phục các hạn chế, để tình hình ANTT trên địa bàn được giữ vững.
TP Hồ Chí Minh và sáu tỉnh nêu trên đã ký Quy chế phối hợp bảo đảm ANTT địa bàn giáp ranh, thể hiện quyết tâm lớn trong công tác giữ gìn ANTT tại các địa phương, nhất là vùng giáp ranh, cũng như trong thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 46-CT/TW ngày 22-6-2015 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo đảm ANTT trong tình hình mới"; Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XI về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới";… Chỉ đạo về công tác phối hợp này, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Ðảng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh tiếp tục thực hiện, làm tốt Quy chế phối hợp bảo đảm ANTT địa bàn giáp ranh của các địa phương, trong đó việc huy động cả hệ thống chính trị trong công tác này là rất quan trọng. Công an cơ sở tại các địa bàn giáp ranh cần nghiên cứu, quán triệt thực hiện cụ thể hóa các nội dung nhiệm vụ, biện pháp chương trình công tác nhằm chủ động hơn nữa phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn. Các địa phương cần nghiên cứu, lựa chọn những vấn đề, chuyên đề có tính phức tạp để phối hợp, hiệp đồng, thống nhất để có hiệu quả hơn. Ðồng chí Ðại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đã đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Công an TP Hồ Chí Minh và công an sáu tỉnh, thành phố đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm ANTT trên địa bàn trong thời gian qua, nhất là các sáng kiến hợp tác, liên kết vùng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Công tác này nếu được triển khai tốt sẽ tiếp tục thể hiện sự xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân; đồng thời đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc...