Phối hợp bảo vệ và phát triển rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn

Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Quan Sơn được giao quản lý 16.594,35 ha rừng và đất lâm nghiệp, chủ yếu là rừng tự nhiên còn lưu giữ nhiều giá trị về đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên phong phú.

BQLRPH Quan Sơn phối hợp với UBND xã Sơn Hà tuần tra bảo vệ rừng trên địa bàn.

Địa bàn có rừng quản lý nằm trên địa giới hành chính của 2 huyện Quan Sơn và Lang Chánh, với chiều dài đường ranh giới khoảng gần 100 km. Hiện tại khu vực giáp ranh của BQLRPH Quan Sơn quản lý có tổng số 24 bản nằm trên địa bàn hành chính 7 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Quan Sơn và Lang Chánh. Các xã trên địa bàn đều thuộc xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; là nơi sinh sống của 3 dân tộc anh em (Thái, Mường, Kinh), chủ yếu là dân tộc thiểu số (chiếm trên 85% dân số), người dân sinh sống tại khu vực rừng giáp ranh với hơn 6.700 nhân khẩu. Dân cư phân bố rải rác, không tập trung; cuộc sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào rừng, phong tục, tập quán canh tác còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí còn hạn chế. Cuộc sống của người dân trong vùng chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi, trong khi đó diện tích đất trồng lúa nước và cây nông nghiệp ít nên chưa đảm bảo cung cấp lương thực từ sản xuất tại chỗ; ngoài nguồn thu nhập từ sản xuất cây lương thực và chăn nuôi, một số hộ gia đình còn tham gia phát triển kinh tế từ nghề rừng như trồng luồng, vầu, xoan... và khai thác một số loại lâm sản phụ ngoài gỗ khác như nứa, vầu, dược liệu từ rừng tự nhiên, nhưng mới chỉ ở dạng thô nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Đời sống của Nhân dân hết sức khó khăn, phần lớn không có việc làm ổn định. Hết mùa sản xuất trồng trọt, người dân thường vào rừng săn bắn và khai thác lâm sản phục vụ nhu cầu của gia đình và tạo nguồn thu nhập. Đây là áp lực không nhỏ và là thách thức đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tại BQLRPH Quan Sơn.

Trước thực trạng trên, BQLRPH Quan Sơn luôn tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý bảo vệ rừng (BVR) trên địa bàn, trong đó đặc biệt coi trọng việc phối hợp tuyên truyền trong công tác quản lý BVR, PCCCR tại khu vực rừng giáp ranh. Trong quá trình triển khai thực hiện đã tạo được sự ủng hộ, phối kết hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan và sự đồng thuận của người dân sống trong vùng và khu vực giáp ranh với địa bàn BQL.

Ngay từ đầu năm 2020, đơn vị đã xây dựng và ký kết quy chế phối hợp giữa BQLRPH Quan Sơn với 7 xã, thị trấn trên địa bàn trong việc tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm quy định về BVR tại khu vực giáp ranh. Mặt khác, công tác phối kết hợp còn được thông qua trao đổi thông tin hai chiều, tiếp cận người dân khu giáp ranh để tuyên truyền, vận động và chia sẻ, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Từ đó góp phần thay đổi các tập quán sản xuất của người dân theo hướng tích cực giúp nâng cao đời sống giảm sự phụ thuộc của người dân vào rừng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng chuyên trách BVR tại các trạm BVR trực thuộc BQL đã vận dụng và thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, tuyên truyền trực tiếp đến từng người dân ra vào hoạt động trên địa bàn.

Kết quả, năm 2019 và 10 tháng năm 2020, đã tổ chức được 308 đợt tuần tra chung trên địa bàn giữa BQL với kiểm lâm địa bàn thuộc Hạt Kiểm lâm Quan Sơn và Hạt Kiểm lâm Lang Chánh. Phối hợp kiểm tra với chính quyền UBND các xã trên địa bàn đơn vị đóng chân được 27 lượt; tổ chức được 24 buổi tuyên truyền cho người dân trên địa bàn và vùng giáp ranh về Luật Lâm nghiệp, các nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan đến công tác BVR, PCCCR, giúp người dân hiểu rõ về vai trò, ý nghĩa mục đích sử dụng của 3 loại rừng đối với đời sống, xã hội và môi trường, nắm rõ được ranh giới của rừng; xây dựng bảng tin tuyên truyền, cài cắm thông tin để tiếp nhận và kịp thời xử lý thông tin từ Nhân dân trên địa bàn, khuyến khích cộng đồng tham gia đấu tranh và tố giác các hành vi vi phạm quy định về BVR, PCCCR trên địa bàn.

Các vụ việc vi phạm đã được đơn vị phối hợp cùng các cơ quan chức năng như kiểm lâm và chính quyền các xã xử lý dứt điểm, nhanh gọn đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra điểm nóng, không có các tụ điểm phức tạp về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản tồn tại trên địa bàn, các vụ vi phạm đưa ra xử lý được Nhân dân ủng hộ, không có đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân trong việc xử lý các đối tượng vi phạm.

Hàng năm BQLRPH Quan Sơn triển khai công tác giao khoán BVR cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27-12-2016 của Chính phủ với hơn 1.100 hộ gia đình tham gia. Tổ chức ký cam kết BVR đối với 24 cộng đồng thôn bản, hàng năm thực hiện đánh giá cam kết BVR của từng thôn bản, làm cơ sở đánh giá kết quả để đầu tư nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế cho cộng đồng thuộc 24 thôn bản trên địa bàn quản lý của BQLRPH Quan Sơn. Từ đó đã tạo được sự gắn kết giữa quyền lợi và trách nhiệm của công động đối với việc tham gia quản lý, BV&PTR, PCCCR. Công tác quản lý BVR của BQLRPH Quan Sơn đã có chuyển biến, đặc biệt đối với BVR tại khu vực giáp ranh, nâng cao được nhận thức của người dân, cộng đồng và nâng cao được vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các xã, huyện giáp ranh, các chủ hộ nhận khoán BVR trong công tác phối hợp tuần tra, tuyên truyền và xử lý các vụ vi phạm.

Thùy Dương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phoi-hop-bao-ve-va-phat-trien-rung-tai-ban-quan-ly-rung-phong-ho-quan-son/127894.htm