Phối hợp chặt chẽ, đảm bảo an toàn giao thông

Ðể nâng cao hiệu quả trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), huyện Thới Bình kiến nghị thời gian tới cần tăng cường phối hợp giữa các địa phương giáp ranh và các cơ quan hữu quan trong thực hiện nhiệm vụ.

Trong năm 2023, huyện Thới Bình tập trung tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan đến TTATGT. Trên đường bộ, tổ chức tuần tra, kiểm soát 1.906 ca, phát hiện và lập biên bản 4.756 trường hợp vi phạm (359 ô tô), tạm giữ 1.920 phương tiện (36 ô tô); phạt hành chính 2.976 trường hợp (313 ô tô), với số tiền hơn 6 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 421 trường hợp (61 ô tô). Trên đường thủy tổ chức 22 ca tuần tra, lập biên bản 67 trường hợp, xử phạt 67 trường hợp, với hơn 137 triệu đồng.

Trong năm 2023, thông qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Thới Bình phát hiện và lập biên bản 4.756 trường hợp vi phạm.

Trong năm 2023, thông qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Thới Bình phát hiện và lập biên bản 4.756 trường hợp vi phạm.

Ông Quách Phát Ðể, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng, Phó trưởng ban An toàn giao thông huyện, cho biết: "Ban ATGT huyện chỉ đạo Tổ công tác liên ngành phối hợp với Ðội Thanh tra giao thông Số 2, Ðội Cảnh sát trật tự giao thông huyện và Ban ATGT các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý xe hợp đồng trá hình, bến dù, bến cóc. Qua kiểm tra, lập biên bản 24 trường hợp vi phạm, xử phạt 21 trường hợp, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 150 triệu đồng".

Ngoài ra, Tổ công tác liên ngành Ban ATGT huyện phối hợp Ban ATGT các xã, thị trấn; UBND các xã, thị trấn ra quân giải tỏa chướng ngại vật trên các tuyến sông, kênh, rạch; thanh thải trụ cọc, lú trên sông.

Tuy nhiên, theo ông Quách Phát Ðể: "Công tác đảm bảo TTATGT thời gian qua vẫn còn khó khăn. Các hành vi vi phạm như: chạy xe vượt quá tốc độ quy định; không đi đúng phần, làn đường, không đội mũ bảo hiểm; đi ngược chiều và sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông... vẫn còn diễn ra. Việc giải tỏa các chướng ngại vật trên tuyến sông giáp ranh liên tỉnh còn gặp nhiều khó khăn và việc phối hợp thực hiện chưa chặt chẽ, nên chưa thể thực hiện. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT tuy có chuyển biến, song chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đến được với mọi người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên. Cùng với đó, hiệu quả công tác phối hợp còn hạn chế. Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện về quy mô, cấp đường còn thấp, nhất là đường trục chính xã, liên ấp, liên xã có bán kính đường cong nhỏ, che khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông...".

Từ thực tế đặt ra, để nâng cao hiệu quả đảm bảo TTATGT, huyện kiến nghị Ban ATGT tỉnh trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chức năng kết hợp với thị xã Giá Rai của tỉnh Bạc Liêu và TP Cà Mau, phối hợp giải tỏa vật chướng ngại trên tuyến sông Quản lộ Phụng Hiệp và các bến đò chèo tự phát. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn huyện; không để xảy ra tình trạng xây dựng công trình, nhà ở, lều quán, mái che... trên phần đất đã được bồi thường giải phóng mặt bằng, mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, họp chợ trái phép trên đường bộ; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Ðồng thời, nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của người dân trong giữ gìn vỉa hè, lòng đường, lề đường. Các địa phương cần bố trí các khu buôn bán tập trung hợp lý để tạo dần thói quen kinh doanh buôn bán văn minh, lịch sự cho người dân./.

Văn Ðum

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phoi-hop-chat-che-dam-bao-an-toan-giao-thong-a31153.html