Phối hợp cùng Liên hợp quốc xây dựng chiến lược nâng cao an toàn giao thông
Ngày 25/4, ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã làm việc cùng Phái đoàn đại diện các tổ chức quốc tế do ông Jean Todt, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về an toàn giao thông đường bộ dẫn đầu, về tiến độ thực hiện và những thách thức đối với mục tiêu an toàn đường bộ bền vững, gắn với mục tiêu quốc gia và WHO cho Thập niên thứ 2 hành động bảo đảm an toàn giao thông 2021-2030.

Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và ông Jean Todt, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về an toàn giao thông đường bộ trao đổi ý kiến về quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn đối với người đi xe máy.
Tại buổi tiếp, ông Lê Kim Thành khẳng định: Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng vi phạm an toàn giao thông, một trong những giải pháp hiệu quả là quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm từ năm 2007. Việt Nam cũng thực hiện cam kết toàn cầu với 12 mục tiêu, phấn đấu giảm bền vững tai nạn giao thông từ 5 đến 10% mỗi năm.
Hiện tại, tỷ lệ người đi xe máy tại Việt Nam đội mũ bảo hiểm lên tới 85%, người dân tự giác sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn ngày càng tăng cao. Hằng năm, các doanh nghiệp đều có kế hoạch tài trợ mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ tiếp tục xây dựng các chiến dịch tuyên truyền, bắt buộc người dân sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn, phối hợp các lực lượng quản lý thị trường vào cuộc quản lý chất lượng mũ bảo hiểm.

Ông Jean Todt hoan nghênh Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có chiến dịch tuyên truyền, bắt buộc người dân sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn, phối hợp các lực lượng quản lý thị trường vào cuộc quản lý chất lượng mũ bảo hiểm.
Việt Nam đã và đang có những tiến bộ rất rõ nét trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đi đúng lộ trình để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về an toàn giao thông. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và lộ trình thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) Việt Nam đến năm 2030; trong đó các mục tiêu SDG đều được thể hiện, các mục tiêu an toàn giao thông được giữ nguyên.
Đặc biệt, vừa qua Việt Nam đã có những đột phá về thể chế, thể hiện qua việc thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ (tháng 6/2024) với nhiều điểm rất tiên tiến, toàn diện, có hiệu lực từ đầu năm 2025. Với nhiều chế tài xử phạt theo hướng tăng nặng, đánh vào ý thức để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, nhiều hành vi vi phạm giao thông, do đó đã giảm xuống đáng kể.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tin tưởng trong thời gian tới, với sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, sẽ góp phần hạn chế tỷ lệ vi phạm cũng như giảm thiểu tai nạn giao thông.
Việt Nam đang đi đúng lộ trình đã cam kết với Liên hợp quốc, nhưng trước mắt vẫn còn những thách thức lớn bởi hoạt động giao thông vận tải trên đường bộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn (90% về hành khách và 70% về hàng hóa); vận tải đường sắt, hàng không vẫn đang chiếm thị phần thấp; vận tải công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 10-15% tại các thành phố lớn; giao thông hỗn hợp, tỷ lệ xe máy cao, xe cơ giới cá nhân tăng trưởng nhanh,...
“Trong thời gian qua, Việt Nam đã được các cơ quan, tổ chức quốc tế hỗ trợ về các thể chế bảo đảm an toàn như việc ban hành tiêu chuẩn ghế an toàn cho trẻ em trên xe ô tô, người lớn giao xe cho đối tượng trẻ em sử dụng cũng bị xử phạt nặng,... Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tin tưởng trong thời gian tới, với sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, sẽ góp phần hạn chế tỷ lệ vi phạm giao thông cũng như giảm thiểu tai nạn”, ông Lê Kim Thành bày tỏ.
Trao đổi ý kiến tại cuộc gặp, ông Jean Todt cũng chia sẻ một số quy định luật pháp tại Thụy Sĩ cũng như nhiều quốc gia trên thế giới việc tuyên truyền, giáo dục ý thức của các em học sinh nhằm xây dựng nền tảng và góp phần hình thành văn hóa tham gia giao thông an toàn, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm giao thông. Với kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam có thể tham khảo để áp dụng trong tương lai. Liên hợp quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện cơ sở hạ tầng, đưa vào sử dụng các phương tiện xanh, góp phần bảo vệ môi trường.
Tại buổi làm việc, ông Lê Kim Thành cũng đề nghị Liên hợp quốc hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng khung chương trình và các tài liệu đào tạo, huấn luyện kỹ năng cơ bản cho trẻ em các lứa tuổi; tuyên truyền các quy định mới về nâng cao an toàn giao thông trong hai luật (thiết bị an toàn trên xe ô-tô đối với trẻ em-CRS, xe chở học sinh....). Đồng thời, hỗ trợ hoàn thiện các thể chế (tốc độ lưu thông phương tiện ở khu vực cổng trường, tổ chức giao thông,...), triển khai các chương trình giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông. Cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hai bên tin tưởng Việt Nam sẽ triển khai các giải pháp hiệu quả, nhằm hoàn thành mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên phạm vi cả nước.