Phối hợp đảm bảo ANTT trong hoạt động ngân hàng
Để việc bảo vệ tài sản, tiền bạc tuyệt đối an toàn, Công an tỉnh Bình Dương luôn quan tâm và chỉ đạo sâu sát công tác bảo vệ mục tiêu ngân hàng; triển khai lắp đặt các thiết bị báo động khẩn cấp tại 102 chi nhánh ngân hàng và các phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh; tổ chức được 3921 ca trực, 721 ca tuần tra xung quanh mục tiêu.
Vùng công nghiệp Bình Dương hiện có 12 Chi nhánh, 91 Phòng giao dịch ngân hàng và 57 tổ chức tín dụng đang hoạt động. Để đảm bảo tình hình ANTT trong hoạt động ngân hàng, cách đây hơn 2 năm, Công an tỉnh Bình Dương và Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Dương đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo ANTT, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần tích cực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương.
Để việc bảo vệ tài sản, tiền bạc tuyệt đối an toàn, Công an tỉnh Bình Dương luôn quan tâm và chỉ đạo sâu sát công tác bảo vệ mục tiêu ngân hàng; triển khai lắp đặt các thiết bị báo động khẩn cấp tại 102 chi nhánh ngân hàng và các phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh; tổ chức được 3921 ca trực, 721 ca tuần tra xung quanh mục tiêu.
Trước khi có sự phối hợp này, từ cuối năm 2021, khi trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng xảy ra một số vụ cướp tài sản, trộm cắp tài sản tại ngân hàng với tính chất nguy hiểm, ngày càng manh động, Công an tỉnh Bình Dương đã tiến hành khảo sát công tác bảo vệ tài sản ở các ngân hàng. Qua đó cho thấy kỹ năng về chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp xử lý tội phạm của cán bộ ngân hàng, nhân viên bảo vệ còn nhiều hạn chế, lúng túng. Hệ thống camera cảnh báo, giám sát của ngân hàng chưa đầy đủ; chưa lắp đặt hệ thống báo động giữa ngân hàng và lực lượng Công an nên công tác phối hợp, tổ chức truy bắt bị chưa đạt hiệu quả cao. Nhiều trụ sở ngân hàng chỉ bố trí 1-2 bảo vệ trông giữ xe, không có bảo vệ ở phía trong ngân hàng. Vào ban đêm bảo vệ không tuần tra xung quanh ngân hàng, không khóa cẩn thẩn các cửa ra vào, cửa sổ nên dễ dàng bị trộm đột nhập. Đến khi xảy ra tình huống thì lúng túng chẳng biết xử lý như thế nào mà cũng không cấp báo ngay với cơ quan Công an.
Từ thực tế đó, nhằm nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ ngân hàng Công an tỉnh đã chủ động phối hợp các ngân hàng rà soát tiêu chuẩn, trình độ nghiệp vụ của lực lượng bảo vệ tại các Tổ chức tín dụng; tham mưu tổ chức tập huấn nghiệp vụ, trang bị công cụ hỗ trợ theo quy định. Phối hợp tố chức tập huấn, tuyên truyền kiến thức về công tác phòng, chống khủng bố; phòng, chống tội phạm ngành ngân hàng và diễn tập tình huống có thể xảy ra cho lãnh đạo, nhân viên và bảo vệ các tổ chức tín dụng. Nhờ vậy đã từng bước nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức của lãnh đạo, nhân viên các tổ chức tín dụng trong công tác phòng chống tội phạm và nhiều đơn vị đã ngăn chặn, bắt giữ kịp thời các đối tượng cướp ngân hàng.
Điển hình là vụ cướp xảy ra tại Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Bàu Bàng. Ngay đúng vào thời điểm tên cướp hành động là 11h30 phút ngày 17/4/2023 thì trực ban Công an huyện Bàu Bàng cũng nhận được tin báo của Ngân hàng Sacombank thông báo qua hệ thống báo động liên kết với số điện thoại trực ban. Chính điều này đã giúp cơ quan Công an nhanh chóng có mặt tại hiện trường để cùng quần chúng khống chế bắt giữ tên cướp. Hiện tại, hầu hết các điểm giao dịch, chi nhánh ngân hàng đều đã được lắp đặt hệ thống chuông báo động kết nối với số điện thoại trực ban của Công an địa phương nơi gần nhất nhằm kịp thời có mặt can thiệp, xử lý bảo đảm an toàn cho tính mạng, tài sản của ngân hàng.
Về ngăn ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngày 3/10/2024 Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Chi nhánh Bình Dương phát hiện 1 trường hợp khách hàng tới Phòng giao dịch để thực hiện giao dịch chuyển số tiền trên 500 triệu đồng có dấu hiệu bị lừa đảo qua mạng nên đã phối hợp phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Dương để cùng làm rõ vụ việc. Sau khi làm việc với Cơ quan Công an, khách hàng trên đã hiểu ra sự việc nên đã không thực hiện chuyển tiền nữa.
Một trường hợp khác là vào ngày 4/10/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Dương nhận được tin báo từ người nhà ông Phạm Văn T (SN 1952; ngụ phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) về việc ông T sau khi nghe nhiều cuộc điện thoại từ người lạ đã cầm sổ tiết kiệm có trị giá gần 500 triệu đồng đi đâu không rõ, không liên lạc được, nghi vấn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhận được tin báo, đơn vị đã phối hợp với Ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Dương rà soát thông tin rút tiền từ sổ tiết kiệm của ông T. Đến khoảng 15h cùng ngày, khi ông T. tới Ngân hàng BIDV chi nhánh Thủ Dầu Một để rút hết tiền từ sổ tiết kiệm để chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng của đối tượng lừa đảo thì Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, phối hợp với người nhà và phía ngân hàng ngăn chặn thành công việc ông T. chuyển tiền…
Thượng tá Lê Xuân Sang, Phó Trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo, thông thường trước khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng vào ngân hàng nhiều lần nhưng không thực hiện giao dịch; thường mặc áo khoác, đeo khẩu trang che kín mặt, chăm chú quan sát bên trong và ngoài ngân hàng. Khi gây án đối tượng chọn thời điểm ít người trong ngân hàng để ra tay. Nếu nhân viên, bảo vệ ngân hàng mà ý thức cảnh giác cao để nhận diện kẻ cướp thì sẽ ngăn chặn được những vụ cướp có thể xảy ra…