Phối hợp liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục

Toàn tỉnh có 752 cơ sở giáo dục (CSGD) gồm 230 trường mầm non, 226 trường tiểu học, 226 trường THCS, 57 trường THPT, 2 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp tỉnh, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX. Năm học 2021-2022, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn tới hoạt động chăm sóc, giáo dục học sinh... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Toàn tỉnh có 752 cơ sở giáo dục (CSGD) gồm 230 trường mầm non, 226 trường tiểu học, 226 trường THCS, 57 trường THPT, 2 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp tỉnh, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX. Năm học 2021-2022, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn tới hoạt động chăm sóc, giáo dục học sinh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành GD và ĐT phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố khắc phục khó khăn, tích cực phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp tại trường học.

Học sinh Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu) sát khuẩn tay phòng dịch COVID-19 trước khi vào lớp học.

UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, của Bộ Y tế và các bộ, ngành Trung ương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo sát diễn biến dịch. Từ khi Nghị quyết số 128/NQ-CP (ngày 11-10-2021) của Chính phủ có hiệu lực thi hành đến nay, UBND tỉnh đã ban hành trên 20 văn bản trực tiếp chỉ đạo công tác tổ chức dạy học, tiêm vắc-xin cho trẻ em. Sở GD và ĐT đã ban hành hơn 40 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các CSGD tổ chức hoạt động dạy học đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Sở GD và ĐT đã phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố tổ chức các đợt xét nghiệm cho cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên, nhân viên làm việc trong các CSGD trước thời điểm tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới 2021-2022 để sàng lọc nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trong các CSGD khi bắt đầu bước vào năm học mới. Trong năm học, căn cứ tình hình dịch COVID-19 tại từng địa phương, Sở GD và ĐT đã hướng dẫn các CSGD phối hợp y tế địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp để thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả Kế hoạch năm học song song với việc chú trọng phòng dịch; triển khai “Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học” (thực hiện theo Quyết định số 406/QĐ-BGDĐT ngày 27-1-2022 của Bộ GD và ĐT) tới 100% cơ sở giáo dục trong tỉnh. Đồng thời, Sở GD và ĐT phối hợp với Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố để triển khai Công văn số 510/BYT-MT ngày 28-1-2022 của Bộ Y tế về việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp trên tinh thần đảm bảo an toàn, chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh; phối hợp với Sở Y tế ban hành các hướng dẫn liên ngành về phương án xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19, các trường hợp có nguy cơ mắc COVID-19 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, ngành GD và ĐT, các CSGD trong tỉnh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với điều kiện địa phương và mỗi đơn vị; xây dựng kịch bản chi tiết chủ động ứng phó với các tình huống bất thường xảy ra trong trường học. Các CSGD mầm non đã xây dựng kế hoạch giáo dục, lựa chọn nội dung, phối hợp, hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ em tại gia đình và nhà trường và yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Triển khai xây dựng, phổ biến các video, audio (1.202 video, audio), các bài viết hướng dẫn cha mẹ trẻ cách chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà. Khi trẻ đi học trực tiếp tại trường, các CSGD mầm non tổ chức hoạt động đón, trả trẻ; hoạt động ăn, ngủ cho trẻ; hoạt động vệ sinh môi trường và tổ chức hoạt động vệ sinh cá nhân cho trẻ; hoạt động cho trẻ em chơi - học nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 như: thực hiện khai báo y tế, thực hiện 5K; bố trí người đón, trả trẻ tại cổng trường; hạn chế tiếp xúc giữa trẻ em các nhóm, lớp với nhau; thực hiện vệ sinh, khử khuẩn bề mặt phòng học, khu vệ sinh, phòng chức năng, hành lang... hàng ngày. Tại các CSGD phổ thông, GDTX, công tác kiểm tra, đánh giá các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong trường học được ngành GD và ĐT phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thường xuyên. Bên cạnh việc tự đánh giá của các CSGD trên ứng dụng “An toàn COVID-19” và Sở GD và ĐT tổ chức các cuộc thanh tra chuyên ngành về dạy học thích ứng với tình hình dịch COVID-19, Sở GD và ĐT còn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá và có các hình thức khảo sát khác nhau để đánh giá các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong trường học. Đơn cử, trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Sở GD và ĐT đã tổ chức 2 cuộc kiểm tra với 5 đoàn kiểm tra việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các nhà trường khi học sinh quay lại trường học trực tiếp. Cả 10 phòng GD và ĐT các huyện, thành phố cũng tiến hành kiểm tra điều kiện an toàn phòng dịch ở thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Việc kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học còn gắn với công tác kiểm tra công nhận trường học đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, trường chuẩn quốc gia. Định kỳ hoặc đột xuất, ngành GD và ĐT phối hợp với ngành Y tế và chính quyền địa phương tầm soát, test nhanh COVID-19 cho giáo viên và học sinh; xử lý các tình huống khi có cán bộ, giáo viên và học sinh là F0; tổ chức tiêm cho giáo viên và học sinh; lập danh sách học sinh đủ độ tuổi tiêm, vận động cha mẹ học sinh cho con tiêm, phối hợp với Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các CSGD tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh; phối hợp với Công an tỉnh trong việc cung cấp mã định danh cho học sinh khi tiêm vắc-xin; nắm bắt diễn biến tâm lý của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh khi bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; phối hợp với Công đoàn (tỉnh, ngành) để thực hiện hỗ trợ giáo viên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến nay, tỷ lệ tiêm phủ vắc-xin phòng COVID-19 của khối Phòng GD và ĐT: học sinh từ 12-15 tuổi là trên 97%, của giáo viên khối Phòng GD và ĐT là 97,8%; khối THPT, GDTX là trên 98% học sinh, giáo viên THPT, GDTX. Đa số các CSGD đã làm tốt công tác phối hợp trong việc tuyên truyền, dự báo, tiêm vắc-xin, test nhanh kháng nguyên COVID-19 cũng như xử trí các trường hợp nghi nhiễm. Công tác xã hội hóa để huy động các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 cũng được thực hiện tích cực, hiệu quả. 100% các CSGD đã phối hợp với ngành Y tế địa phương xây dựng phương án, kịch bản xử lý khi có ca F0 hoặc dịch bệnh lây lan trong CSGD. Công tác phối hợp được tiến hành thường xuyên, liên tục, đảm bảo an toàn, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tạo điều kiện tốt nhất để học sinh học trực tiếp tại trường.

Hiện tại, Sở GD và ĐT đang chuẩn bị phối hợp Sở Y tế hướng dẫn các huyện, thành phố rà soát, động viên gia đình đăng ký tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi; rà soát, tiêm đủ mũi 2 cho trẻ từ 12-18 tuổi và tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đến trường học từ ngày 4-4 (trừ địa phương cấp độ dịch mức 4), đồng thời tiếp tục có các biện pháp xử lý kịp thời tránh để dịch bệnh lây lan trong trường học; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và cha mẹ học sinh để làm tốt công tác hỗ trợ học sinh quay trở lại học trực tiếp như: Giáo dục kỹ năng, tư vấn tâm lý, sức khỏe, ôn tập củng cố kiến thức..., bởi sau sau một thời gian dài không đến trường học do dịch nền nếp sinh hoạt của học sinh có thể bị ảnh hưởng./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202204/phoi-hop-lien-nganh-phong-chong-dich-covid-19-trong-cac-co-so-giao-duc-2550080/