Phối hợp quốc tế trong tìm kiếm cứu nạn hàng hải
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, với diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2. Các hoạt động nuôi trồng, khai thác, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, vận tải, du lịch biển, khai thác dầu khí… ngày càng phát triển mạnh song luôn tiềm ẩn xảy ra tai nạn hàng hải, thiên tai…,
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, với diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2. Các hoạt động nuôi trồng, khai thác, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, vận tải, du lịch biển, khai thác dầu khí… ngày càng phát triển mạnh song luôn tiềm ẩn xảy ra tai nạn hàng hải, thiên tai…, từ đó đặt ra bài toán hợp tác quốc tế trong tìm kiếm cứu nạn (TKCN), giảm thiểu thiệt hại về tài sản và con người.
Thời gian qua, công tác TKCN luôn duy trì tốt chế độ thường trực 24/7 hàng ngày từ hệ thống trực chỉ huy, trực ban cứu nạn đến các phương tiện TKCN, đảm bảo thu nhận và xử lý kịp thời tất cả các vụ việc liên quan đến tai nạn, sự cố hàng hải xảy ra trên vùng biển trách nhiệm của Việt Nam; chủ động triển khai và tổ chức tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương trong hoạt động TKCN, thực hiện tốt Quy chế phối hợp TKCN đã ký kết với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, các đơn vị thuộc ngành Hàng hải...
Theo đại diện Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam, đơn vị luôn chủ động, phối kết hợp cùng các cơ quan, đơn vị và địa phương trong khu vực triển khai các biện pháp nhằm thông báo, hướng dẫn cho mọi người điều khiển các phương tiện biết thông tin và thời tiết, thiên tai nguy hiểm, hướng dẫn và điều hành hoạt động phòng tránh. Trung tâm chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan trong khu vực như Cảng vụ hàng hải, Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam, chính quyền địa phương để huy động các phương tiện tại chỗ tham gia ứng phó tai nạn sự cố khi có yêu cầu.
Thời gian vừa qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo sát sao các đơn vị hữu quan quan tâm đầu tư các trang thiết bị, phần mềm như AIS, LRIT…, phối hợp với Hệ thống các Đài thông tin duyên hải để xác định, nắm bắt tình hình phương tiện trong khu vực để có thể huy động tham gia hoạt động TKCN khi có tình huống yêu cầu. Phát huy phương châm "4 tại chỗ": "Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ" ứng phó trong mùa bão, lũ, đặc biệt là các tàu vận tải biển quốc tế hành trình ngang qua vùng biển Việt Nam để huy động tham gia TKCN khi có vụ việc xảy ra.
Cũng theo đại diện Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam, với vai trò là cơ quan đầu mối phối hợp quốc tế (Contact Point) và trực tiếp thực hiện các hoạt động phối hợp TKCN với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Trung tâm đã thiết lập kênh liên lạc với các tổ chức TKCN quốc tế và triển khai các hoạt động hợp tác.
Bên cạnh đó, với chủ lực là lực lượng TKCN, đơn vị đã chủ động, thường xuyên tổ chức công tác diễn tập xử lý thông tin TKCN với các cơ quan cứu nạn quốc tế. Trong năm 2022, Trung tâm đã tổ chức 7 lần diễn tập xử lý thông tin TKCN với nước ngoài, cụ thể: Nhật Bản 2 lần, Ấn Độ 1 lần, Indonesia 1 lần, Philippines 1 lần, Thái Lan 1 lần, Hoa Kỳ 1 lần; duy trì đường dây nóng liên lạc TKCN với các tổ chức TKCN quốc tế; tổ chức trao đổi, chuyển giao, tiếp nhận, cung cấp thông tin báo nạn trên biển theo trách nhiệm của quốc gia chủ trì, điển hình như: Ngày 07/12/2022, Trung tâm phối hợp với Trung tâm TKCN Myanma (Myanma MRCC) cứu 154 người quốc tịch Myanmar trên vùng biển Yangon, Myanmar; ngày 28/12/2022, Trung tâm phối hợp với MRCC Philippines cứu nạn thành công 17 thuyền viên Việt Nam trên tàu DOLPHIN 15, quốc tịch Việt Nam bị nạn trong điều kiện thời tiết xấu, tại khu vực vùng biển đảo Balabac, Philippines.
Ngoài công tác tìm kiếm, cứu hộ, Trung tâm còn chủ trì hoặc phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn. Trong năm 2022, Trung tâm đã tổ chức các hoạt động như: Tiếp đón các đoàn công tác của Hoa Kỳ, Nhật Bản đến làm việc tại Trung tâm về công tác phối hợp TKCN trên biển; tổ chức 1 hội thảo trao đổi nghiệp vụ TKCN ngày 19/8/2022 với sự tham gia của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, JICA; cử 12 cán bộ, viên chức tham gia chuỗi Hội thảo Seavision do Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì tổ chức với sự hướng dẫn của các chuyên gia Hoa Kỳ; cử 2 viên chức tham gia Hội thảo về công tác TKCN tại Nhật Bản, Singapore; tìm kiếm, đàm phán, tiếp nhận các nguồn viện trợ từ nước ngoài các trang thiết bị, phương tiện tìm kiếm cứu nạn; triển khai thủ tục tiếp nhận các trang thiết bị chuyên dùng thuộc phi dự án trang thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động TKCN hàng hải sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại ODA của Chính phủ Nhật Bản.