Phối hợp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đất đai, môi trường ở TP Hà Tĩnh
Thời gian tới, Sở TN&MT và TP. Hà Tĩnh sẽ phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai và môi trường trên địa bàn.
Chiều 29/9, UBND TP. Hà Tĩnh có buổi làm việc với Sở TN&MT về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai và môi trường trên địa bàn.
Thời gian dần đây, thực tế triển khai công tác quản lý Nhà nước về đất đai, môi trường trên địa bàn TP. Hà Tĩnh xuất hiện nhiều tồn đọng, khó khăn, vướng mắc cần được hướng dẫn tháo gỡ để tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả.
Tại buổi làm việc, trong lĩnh vực quản lý đất đai, thành phố đề xuất cho phép địa phương được cho thuê ngắn hạn một số quỹ đất trên địa bàn (quỹ đất công ích; quỹ đất thuộc quy hoạch xây dựng được duyệt làm đất giao thông, thủy lợi, các dự án khu đô thị, hồ sinh thái... nhưng đang để hoang do chưa có điều kiện thực hiện).
Đề xuất Sở TN&MT yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện 100% khối lượng của dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thực hiện tại tỉnh Hà Tĩnh (dự án VILG) trên địa bàn thành phố, cập nhật dữ liệu của tất cả các CSDL thành phần để đưa vào sử dụng khai thác.
Hiện, TP. Hà Tĩnh cũng đang gặp một số vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận, cấp đổi giấy chứng nhận, công nhận lại hạn mức đất ở khi sử dụng trước năm 1980. Trong đó có vướng mắc liên quan xác định diện tích tăng lên do sai số đo đạc; xử lý các trường hợp đã được công nhận quá hạn mức đất ở; hướng dẫn hủy bỏ hoặc điều chỉnh thửa đất gốc để làm cơ sở công nhận cho các hộ đang chung thửa đất gốc. Ngoài ra, địa phương cũng gặp một số khó khăn liên quan đến nội dung xác định trong hay ngoài hạn mức giao đất ở; các trường hợp được giao đất ở vị trí hành lang đường điện hoặc mố cầu; xử lý lấn chiếm; về giá đất cụ thể phục vụ GPMB...
Trong lĩnh vực môi trường, thực tế trên địa bàn thành phố đang phát sinh nhiều loại rác thải công nghiệp thông thường như các phế thải từ các xưởng chế biến gỗ, thạch cao, sành sứ, composite, các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc hoặc hết hạn sử dụng, vải vụn từ các cơ sở cắt may, ... lượng phát sinh khoảng 20-30 tấn/tháng, trong khi đó trên địa bàn chưa có cơ sở xử lý các loại rác thải này nên có nguy cơ phát sinh nhiều vấn đề về môi trường. Do đó, Sở TN&MT có đề xuất để UBND tỉnh cho phép và hướng dẫn Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị được bổ sung chức năng xử lý rác công nghiệp.
Thành phố cũng đề xuất việc phân loại rác tại hộ gia đình: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải rắn sinh hoạt khác; chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt. Riêng chất thải thực phẩm chỉ khuyến khích các hộ gia đình phân loại tự xử lý.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở TN&MT, các phòng chuyên môn trực thuộc sở đã trả lời, hướng dẫn một số nội dung do thành phố kiến nghị. Trong đó nhiều ý kiến đề xuất của địa phương được sở đồng thuận triển khai thực hiện.
Đồng thời các đại biểu cũng thảo luận, thống nhất một số vấn đề liên quan đến công tác phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế theo nguyên tắc giải quyết hài hòa thực tiễn và đảm bảo tuân thủ các cơ sở pháp lý...
Với những nội dung vượt thẩm quyền, thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh có giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan...