Phối hợp thực hiện chặt chẽ phòng, chống dịch trong và ngoài trường học
Quyết tâm đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp thì chất lượng, hiệu quả giáo dục mới nâng lên rõ, là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo (GDĐT), Bộ Y tế. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, một mặt, ngành GDĐT và Y tế phối hợp chặt chẽ, mặt khác, biện pháp tối ưu là trường học triển khai nghiêm Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học (gọi tắt là Sổ tay) vừa được Bộ GDĐT phê duyệt.
• CHẶT CHẼ GIỮA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ NGÀNH Y TẾ
Ở tỉnh Lâm Đồng, ngày 16/2/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp ký ban hành Văn bản số 918 về việc khẩn trương thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Với giáo dục, đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “Triển khai kế hoạch đưa học sinh các cấp, sinh viên đi học trực tiếp gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tuyên truyền trong hệ thống trường học, đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên... về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an toàn học trực tiếp; kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong việc dạy học trực tiếp để có biện pháp tháo gỡ hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định...”. Trước đó, ngày 14/02/2022, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đình Văn cũng ký, ban hành Công văn số 1247 tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để chỉ đạo cả hệ thống chính trị trên toàn tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Phó Giám đốc Sở GDĐT Huỳnh Quang Long cho biết, Sở này đã cùng Sở Y tế họp bàn phối hợp triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học với 4 nội dung. Tại cuộc họp ngày 15/2/2022 giữa hai Sở do Phó Giám đốc Sở GDĐT Huỳnh Quang Long và Phó Giám đốc Sở Y tế Trịnh Văn Quyết chủ trì; bốn nội dung hai bên thống nhất gồm: Căn cứ tình hình thực tế địa phương xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết, cụ thể và tổ chức diễn tập xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình dạy, học trực tiếp. Tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, cán bộ quản lý, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 (Nội dung này đã triển khai vào ngày 22/2/2022). Ông Chế Văn Dũng, chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học của Sở GDĐT cho biết: Số lượng tham gia có gần 1.400 người, bao gồm 686 trường học, mỗi đơn vị 2 người và cán bộ, chuyên viên của Phòng GDĐT 12 huyện, thành phố... “Buổi tập huấn đã tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đang tồn tại các trường học là thực hiện các biện pháp hiệu quả để xử lý tình huống trong trường khi có trường hợp học sinh F0”, ông Dũng cho biết. Hai nội dung khác là: Bố trí đầu mối phối hợp công tác phòng, chống dịch COVID-19; Tổ chức kiểm tra, đánh giá các tiêu chí bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các trường học. Theo đó, Sở GDĐT ban hành Kế hoạch và mời Sở Y tế tham gia đoàn kiểm tra.
Phó Giám đốc Sở GDĐT Huỳnh Quang Long cũng cho biết, thời gian tới, ngành Giáo dục “Phối hợp xây dựng Phương án chi tiết thực hiện đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19 trong trường học khi xuất hiện các ca mắc COVID-19 (gọi tắt là F0) và các ca tiếp xúc gần với F0 (gọi tắt là F1) theo hướng dẫn tại “Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19 trong trường học” được ban hành kèm theo Quyết định số 406/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT thay thế Phương án số 2337/PA-SYT-SGDĐT ngày 12/11/2021 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhằm kịp thời hướng dẫn triển khai đến các đơn vị trường học”.
• NGHIÊM CHỈNH THỰC HIỆN HIỆU QUẢ NHỮNG NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA SỔ TAY
Báo cáo từ Sở GDĐT về tình hình dạy, học trực tiếp trên toàn tỉnh đến ngày 15/2/2022 như sau: 12/12 huyện, thành phố đã triển khai. Trong đó, tỷ lệ ở Mầm non đạt 39,82%; Tiểu học 84,47%; THCS 87,25%; THPT 85,13%; giáo dục thường xuyên 86,36% và cao đẳng sư phạm 64,97%. Tổng số trẻ mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên thuộc diện F0 là 3.976 người và F1 là 11.066 người; số giáo viên thuộc diện F0 là 295 người và F1 là 370 người.
Về triển khai thực hiện Sổ tay, Sở GDĐT đã chuyển Quyết định 406 và Sổ tay đến các trường học toàn tỉnh. Sổ tay gồm 23 trang, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GDĐT-PGS.TS. Nguyễn Thanh Đề chỉ đạo nội dung; nhóm biên soạn là các PGS, TS, BS, Nhà giáo nhân dân của Bộ GDĐT, Bộ Y tế và Trường Đại học Y Hà Nội thực hiện. Nội dung trong Sổ tay cụ thể và khoa học. Đó là, thông tin chung về dịch COVID-19 (tác nhân, phương thức lây truyền, các triệu chứng, phương pháp xử lý và điều trị, các biện pháp phòng bệnh, trường hợp ca bệnh/nghi ngờ/tiếp xúc gần...). Tiếp theo là các nguyên tắc cơ bản phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, trước khi học sinh đến trường, nhiệm vụ của cha mẹ học sinh đối với học sinh làm gì, nhiệm vụ của giáo viên, cán bộ, nhân viên của trường học làm gì...
Trong thời gian học sinh học tập tại trường, nhà trường thực hiện các nhiệm vụ như: tổ chức, quản lý, triển khai các hoạt động trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh; công tác vệ sinh khử khuẩn trường học cụ thể như thế nào; theo dõi, giám sát các vấn đề sức khỏe của học sinh; công tác truyền thông... Sau khi học sinh rời trường học, thực hiện các biện pháp như nghiêm túc thực hiện giãn cách, nhắc học sinh đeo khẩu trang, kiểm tra và bổ sung kịp thời nước sát khuẩn, các vật dụng...
Sổ tay còn hướng dẫn cụ thể những việc học sinh cần làm tại nhà hàng ngày; những nhiệm vụ cụ thể của từng đối tượng trong trường học: học sinh, giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên bảo vệ. Các nội dung khác đó là: Ứng phó của nhà trường khi có trường hợp bệnh nghi ngờ trong trường học; Xử lý khi có trường hợp học sinh mắc COVID-19 trong trường học; Xử lý trường hợp học sinh phát hiện nhiễm COVID-19 tại cơ sở giáo dục (theo 4 bước). Đó còn là công tác chuẩn bị cho học sinh trở lại trường học học trực tiếp: trước khi học sinh đến trường; khi học sinh đến trường; khi học sinh kết thúc buổi học.