Phối hợp xây dựng khung chính sách GPMB hợp lý cao tốc qua 2 tỉnh

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm lưu ý cao tốc nối các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên cần xây dựng khung chính sách GPMB hợp lý.

Trong 2 ngày 27-28/4, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chủ trì đoàn công tác Bộ GTVT kiểm tra công tác triển khai hiện trường,GPMB... các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh, kết nối 3 địa phương Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Theo đó, đoàn trực tiếp khảo sát các vị trí nút giao, hướng tuyến trên hiện trường, bình đồ dự án, làm việc với các địa phương, tư vấn thiết kế, Ban QLDA 2, Ban QLDA 85.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm kiểm tra nút giao với QL9B qua tỉnh Bình Định

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm kiểm tra nút giao với QL9B qua tỉnh Bình Định

Nỗ lực triển khai - chuyển biến rõ nét

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm ghi nhận, đánh giá nỗ lực triển khai dự án của Ban QLDA, sự vào cuộc tích cực của các địa phương đem lại kết quả bước đầu. Theo Thứ trưởng, dự án có ý nghĩa rất lớn, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo sát sao nên cần tiếp tục có những chuyến biển rõ nét.

Thứ trưởng chỉ đạo Chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án 2, Ban Quản lý Dự án 85 và các đơn vị tư vấn tăng cường phối hợp với địa phương đẩy nhanh các công tác triển khai dự án, hướng tuyến, GPMB, chủ động nguồn vật liệu, bãi thải, sớm thống nhất địa phương về các hạng mục hầm chui, đường gom dân sinh, đường hoàn trả...

Trước kiến nghị của địa phương, tư vấn thiết kế về việc điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn đoạn nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp, Thứ trưởng Lâm thống nhất triển khai để đảm bảo hướng tuyến ngắn nhất, thẳng nhất, thuận lợi nhất, hạn chế tối đa công tác đền bù, GPMB khu vực dự án điện mặt trời.

"Mục tiêu đầu tư đường cao tốc là để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chúng ta đã bỏ ra nguồn lực lớn để đầu tư cao tốc thì phải làm sao phát huy tối đa hiệu quả. Tinh thần chỉ đạo là có tính kết nối toàn bộ hệ thống giao thông hiện tại, kết nối các KCN, đô thị, cảng biển, nên cần phải tập trung tính toán phù hợp nhất", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm kết luận nhiều vấn đề tại buổi làm việc với tỉnh Bình Định

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm kết luận nhiều vấn đề tại buổi làm việc với tỉnh Bình Định

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cùng các ngành chức năng, địa phương của tỉnh, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý công tác GPMB dự án tiếp tục tập trung, đẩy tiến độ và triển khai hiệu quả. Theo Thứ trưởng, Bình Định có 3 dự án cao tốc đi qua, trong đó có những dự án nối 2 địa phương như: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh nên cần có sự phối hợp để có khung chính sách GPMB hợp lý, không được chênh lệch, tránh gây thắc mắc trong dân, tạo đồng thuận công tác đền bù.

Sau khi có ý kiến các địa phương, Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ TN&MT để hoàn thiện khung chính sách bồi thường, GPMB trình Chính phủ phê duyệt. Về kinh phí đền bù, GPMB và xây dựng các khu tái định cư, Bộ GTVT đã có kế hoạch, sẽ phân về các địa phương trong thời gian tới theo tiến độ thực hiện dự án, Thứ trưởng thông tin.

Liên quan đến mỏ đất, mỏ vật liệu, Thứ trưởng cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng. Trong các cuộc họp, Chính phủ đã yêu cầu không được lặp lại những tồn tại về vật liệu ở giai đoạn I, gây khó khăn cho quá trình triển khai dự án, làm chậm tiến độ dự án. Do đó, đề nghị các Ban sớm hoàn thành hồ sơ về mỏ vật liệu, hồ sơ bãi đổ thải. Việc này, các Ban Quản lý Dự án và đơn vị tư vấn phải khẩn trương phối hợp với địa phương triển khai sớm.

Tháo gỡ nhiều kiến nghị địa phương

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay: Bình Định xác định trách nhiệm đối với dự án giao thông trọng điểm quốc gia nên đã chỉ đạo công tác chuẩn bị rất tập trung. Địa phương đảm bảo đủ nguồn vật liệu để thi công cao tốc. Ngay từ đầu năm 2022 đã quy hoạch các mỏ vật liệu làm cao tốc. Tỉnh đang tập trung triển khai các công tác GPMB, nguồn vật liệu và phối hợp chặt chẽ, không để bất cứ lý do gì cản trở đến quá trình thi công dự án.

Theo UBND tỉnh Bình Định, đến nay địa phương đã rà soát vị trí, quy mô bố trí tái định cư, cải táng, bãi đổ thải vật liệu phục vụ dự án, chỉ đạo lập quy hoạch chi tiết 1/500. Rà soát nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án. Tham gia ý kiến về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi Ban Quản lý Dự án 2 và Ban Quản lý Dự án 85.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiến nghị nhiều vấn đề với lãnh đạo Bộ GTVT

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiến nghị nhiều vấn đề với lãnh đạo Bộ GTVT

Tỉnh cũng đã làm việc thống nhất với Ban QLDA 2 về các giải pháp thiết kế các công trình thủy lợi, thoát lũ đối với dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Đồng thời, đang tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án. Đã lựa chọn đơn vị đo vẽ bản đồ địa chính và phối hợp cùng chủ đầu tư, Sở GTVT để tiếp nhận cọc GPMB hiện trường khi được chủ đầu tư bàn giao.

Lãnh đạo tỉnh kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Chủ đầu tư bàn giao đầy đủ hồ sơ, cọc mốc GPMB tại hiện trường, kể cả đường hoàn trả, đường gom, mỏ vật liệu xây dựng, bãi thải... Sớm hoàn thiện hồ sơ về các giải pháp thiết kế các công trình thủy lợi, thoát lũ để các địa phương triển khai thực hiện.

Ngay tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cùng các đơn vị chức năng Bộ GTVT trực tiếp giải đáp, tháo gỡ các kiến nghị của Bình Định liên quan đến điều chỉnh cục bộ đoạn qua nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp; điều chỉnh phương án liên thông kết nối với QL19B (đoạn Km 55+500 - Km 56+500) đảm bảo phù hợp với Dự án QL19B của địa phương đang triển khai, đảm bảo kết nối thuận lợi nhất cho khu vực dân cư....

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Bình Định có chiều dài 118,8 km với 3 dự án thành phần gồm: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh. Hiện nay, Chủ đầu tư bàn giao hồ sơ, cọc GPMB hiện trường cho các địa phương khoảng 19,34km/118,8km (tỷ lệ 16,28%). Theo kế hoạch, tổng diện tích đất dự án chiếm dụng cần thu hồi: 1.674ha. Nhu cầu vật liệu phục vụ thi công: Đất san lấp: 13,66 triệu m3; Cát xây dựng: 1,739 triệu m3; Đá xây dựng: 2,95 triệu m3. Nhu cầu đổ thải vật liệu thừa: Tổng nhu cầu 3,81 triệu m3. Chủ đầu tư đã khảo sát đánh giá về trữ lượng tại các địa phương phục vụ dự án.

Quang Đạt - Xuân Huy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thu-truong-bo-gtvt-khong-de-chenh-lech-gpmb-du-an-cao-toc-qua-2-dia-phuong-d550573.html