Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Gen Z

Cùng với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, giới trẻ sáng tạo ra nhiều ngôn ngữ mới. Tiếng lóng trở thành công cụ để các bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z thuận lợi trong giao tiếp với bạn bè và tham gia vào những trào lưu trên mạng xã hội.

Nhiều bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z hiện nay có những sáng tạo trong ngôn ngữ giao tiếp

Nhiều bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z hiện nay có những sáng tạo trong ngôn ngữ giao tiếp

Sáng tạo trong ngôn ngữ giao tiếp

Tiếng lóng thường ngắn gọn, hợp với tốc độ giao tiếp nhanh của thế giới số. Các cụm từ mới liên tục được sáng tạo trên các nền tảng Facebook, TikTok, Instagram, Threads… tạo sự hài hước, dần trở thành một phần trong giao tiếp hằng ngày của thế hệ Gen Z. Gen Z sử dụng tiếng lóng như một cách thể hiện cá tính, phong cách riêng, để kết nối với bạn bè và văn hóa trực tuyến.

Thay vì nói "không", nhiều bạn trẻ sử dụng từ "khum"

Thay vì nói "không", nhiều bạn trẻ sử dụng từ "khum"

Chị Đinh Hương Trà sinh (năm 2004, ở TP Hải Dương, sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho biết thường sử dụng tiếng lóng trong giao tiếp hằng ngày để tạo sự gần gũi trong các cuộc trò chuyện. Để từ chối điều gì đó, thay vì nói “không”, chị lại nói “hong”, “khum” hoặc “hem”. Hoặc trong một buổi đi cà phê gặp gỡ bạn bè, thay vì khen bạn “hôm nay xinh thế”, chị nói “hôm nay trông cũng dịu kha”. Theo chị, nói như vậy “để nghe cho gần gũi, dễ thương”.

Chị Trà dùng tiếng lóng cả trong giao tiếp hằng ngày và đặc biệt sử dụng nhiều hơn khi nhắn tin với bạn bè. Thậm chí, lúc nói chuyện với mẹ, thỉnh thoảng chị vẫn nói một vài từ tiếng lóng và mẹ chị vẫn hiểu. “Vì mẹ mình cũng sử dụng TikTok nên biết những từ ngữ hot trend đó”, chị Trà nói thêm.

Chị Trà (bên trái) thường xuyên sử dụng tiếng lóng trong giao tiếp với bạn bè để cuộc trò chuyện thêm gần gũi

Chị Trà (bên trái) thường xuyên sử dụng tiếng lóng trong giao tiếp với bạn bè để cuộc trò chuyện thêm gần gũi

Còn anh Lê Quốc Dũng (sinh năm 2000, ở phường Tứ Minh, TP Hải Dương) sử dụng tiếng lóng có chừng mực hơn. Anh xác định phải bạn bè thân thiết mới sử dụng ngôn ngữ này. Còn người thân, đồng nghiệp hay bạn mới quen anh tuyệt nhiên không dùng tiếng lóng để giao tiếp. Bởi theo anh, trong công việc cần phải sử dụng ngôn từ tiếng Việt chuẩn mực.

Cũng đề cao sự chuẩn mực của tiếng Việt, chị Nghiêm Thị Hà (sinh năm 2006, cựu học sinh Trường THPT Chu Văn An, TP Hải Dương) có thói quen nhắn tin đầy đủ, rõ ràng, đúng chính tả. Tuy nhiên, bạn bè phản ánh chị nhắn tin như vậy làm cho cuộc trò chuyện nghiêm túc quá, đôi khi cảm thấy căng thẳng. Vì vậy, chị đã điều tiết cách dùng từ của mình, thỉnh thoảng thêm vài tiếng lóng Gen Z để cuộc trò chuyện thêm vui vẻ.

Theo chia sẻ của nhiều Gen Z khác, việc sử dụng tiếng lóng khi nói chuyện với bạn bè cùng thế hệ, có mức độ quen biết thân thiết nhất định, khiến cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, hài hước và gần gũi hơn.

Cụm từ "đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới" cũng được nhiều bạn trẻ sử dụng. Cụm từ này bắt nguồn từ show "Anh trai vượt ngàn chông gai"

Cụm từ "đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới" cũng được nhiều bạn trẻ sử dụng. Cụm từ này bắt nguồn từ show "Anh trai vượt ngàn chông gai"

Nghiên cứu của một chuyên gia về ngôn ngữ học chỉ ra rằng hệ thống tạo từ lóng của giới trẻ được chia thành 2 quá trình chính: tạo từ lóng bằng cách ghép từ và tạo từ lóng bằng các tính năng đặc biệt khác.

Quá trình này có thể chia thành các loại: sử dụng từ lóng qua việc thay đổi chính tả, dùng tiếng lóng cử chỉ, sử dụng các từ bắt chước âm thanh tự nhiên và dùng ký hiệu, con số.

Ví dụ "bánh bèo" là tiếng lóng nhờ ghép từ; "oppa", tiếng lóng nhờ vay mượn từ tiếng nước ngoài; "của kao", lóng bằng cách thay đổi phụ âm cuối; "cảm ơn rất nhìu", lóng bằng cách thay đổi nguyên âm…

Ngơ ngác vì chưa kịp bắt trend

Qua mỗi năm, bộ sưu tập tiếng lóng của Gen Z lại được bổ sung thêm rất nhiều từ mới. "8386", "manifest", "hồng hài nhi", "dịu kha", "đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới"... là những tiếng lóng gây bão mạng xã hội thời gian gần đây.

Làm việc tại một công ty về truyền thông và công nghệ, anh Đ.H. (thuộc thế hệ 8x, ở phường Sao Đỏ, TP Chí Linh) được tiếp xúc với nhiều bạn trẻ Gen Z năng động, sáng tạo. Trong một buổi liên hoan cuối năm, anh được cấp dưới của mình chúc “8386 mãi đỉnh, mãi đỉnh, mãi đỉnh”. Anh ngơ ngác chưa hiểu câu chúc đó có ý nghĩa gì, các bạn trẻ cười và giải thích cho anh con số “8386” nghĩa là phát tài, phát lộc.

Cụm từ "8386" mang ý nghĩa phát tài phát lộc được nhiều bạn trẻ sử dụng gần đây

Cụm từ "8386" mang ý nghĩa phát tài phát lộc được nhiều bạn trẻ sử dụng gần đây

Dựa trên lối phiên âm Hán - Việt, số 8 gần âm với "phát", tương tự số 3 với "tài" và số 6 với "lộc". Trào lưu “8386” bắt nguồn từ "hiện tượng mạng" Dương Gió Tai, với công thức "chúc (ai đó) 8386, mãi đỉnh mãi đỉnh, mãi đỉnh". Câu chúc này nhanh chóng được giới trẻ hưởng ứng nhiệt tình, lan rộng từ TikTok sang các nền tảng khác.

Chị Hoàng Hương Lan (sinh năm 2002, ở xã Cẩm Đông, Cẩm Giàng) cũng gặp tình huống “dở khóc, dở cười” tương tự vì không bắt kịp xu hướng. Mặc dù thuộc thế hệ Gen Z nhưng do đặc thù công việc làm trong môi trường nhà nước, tiếp xúc chủ yếu với các cô chú, anh chị lớn tuổi nên chị sử dụng ngôn ngữ chuẩn chỉnh mà ít cập nhật từ mới của giới trẻ.

Trong một lần đăng ảnh lên mạng xã hội, thấy bạn bè vào bình luận “đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới”, chị không hiểu bạn có ý gì. Sau đó chị phải lên mạng tìm kiếm mới biết ý nghĩa của cụm từ này nhằm khen ngợi bức ảnh của chị. Thấy mình lạc hậu khi không kịp bắt trend ngôn ngữ Gen Z, chị thường xuyên lướt TikTok hơn, có từ nào không hiểu thì đọc bình luận xem mọi người giải nghĩa.

Làm việc trong môi trường nhà nước nên chị Lan sử dụng ngôn ngữ chuẩn chỉnh, ít cập nhật xu hướng giới trẻ

Làm việc trong môi trường nhà nước nên chị Lan sử dụng ngôn ngữ chuẩn chỉnh, ít cập nhật xu hướng giới trẻ

Việc sử dụng tiếng lóng có thể khiến những người không quen thuộc, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi hoặc người ngoài nhóm cảm thấy khó hiểu và dễ gây ra hiểu lầm. Ngoài ra, lạm dụng tiếng lóng có thể làm mất đi vẻ đẹp vốn có của tiếng Việt, ảnh hưởng đến khả năng sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực trong các tình huống trang trọng.

Tiếng lóng thường mang tính đơn giản, biểu tượng nên hạn chế khả năng diễn đạt các ý tưởng phức tạp hoặc cảm xúc sâu sắc. Đặc biệt, trong môi trường học thuật hoặc công việc chuyên nghiệp, thói quen sử dụng tiếng lóng có thể bị xem là thiếu nghiêm túc, ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân.

Vì vậy, tùy từng đối tượng, trường hợp, Gen Z nên sử dụng lời nói, ngôn từ phù hợp để không bị lạm dụng từ lóng. Đồng thời tránh mất đi vẻ đẹp, sự trong sáng của tiếng Việt.

Gen Z viết tắt của Generation Z (thế hệ Z). Theo từ điển Oxford, Gen Z là những người sinh ra trong khoảng thời gian từ cuối những năm 1990 đến năm 2012. Quãng tuổi phổ biến và được chấp nhận rộng rãi nhất là 1997-2012.

Những người thuộc thế hệ Gen Z đều có thể sử dụng thành thạo các công cụ thông tin nhanh chóng và dễ dàng, không phải tốn nhiều công sức. Smartphone là thiết bị được Gen Z dùng nhiều nhất, phục vụ cho việc học tập và giải trí.

MỘC MIÊN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/phong-ba-bao-tap-khong-bang-ngu-phap-gen-z-399673.html