Phòng 'bà hỏa' tại nhà

Các cấp, các ngành ở Hải Dương đã có nhiều giải pháp phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong phòng chống 'bà hỏa' tại mỗi gia đình.

Công an huyện Nam Sách phối hợp tập huấn, hướng dẫn người dân thực tập phương án chữa cháy

Công an huyện Nam Sách phối hợp tập huấn, hướng dẫn người dân thực tập phương án chữa cháy

Nguy cơ cháy nổ cao

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), nguy cơ xảy ra cháy nổ ở các gia đình ngày càng cao. Nguyên nhân do mỗi nhà thường có nhiều phương tiện, chất dễ cháy cao như xăng, dầu, gas từ các nguồn như hệ thống đường điện không bảo đảm, bếp gas, xe ô tô, xe máy...

Nhiều gia đình có hàng hóa dễ cháy như giấy, nhựa... tích trữ với số lượng lớn, sắp xếp không gọn gàng, có khi cản trở lối đi, lối thoát nạn, để gần nguồn lửa, nguồn nhiệt. Bên cạnh các hộ có nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh thì số nhà dân bình thường tự trang bị dụng cụ chữa cháy chưa nhiều. Không ít gia đình còn chưa quan tâm mở lối thoát nạn thứ 2.

Người dân và lực lượng chức năng của xã Lai Vu (Kim Thành) phối hợp dập tắt sự cố cháy ở hộp điện (ảnh công tác viên cung cấp)

Người dân và lực lượng chức năng của xã Lai Vu (Kim Thành) phối hợp dập tắt sự cố cháy ở hộp điện (ảnh công tác viên cung cấp)

Thiếu tá Nguyễn Sáng Quang, Phó Đội trưởng Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hải Dương) cho biết hiện nhà dân ở các khu phố cũ, ngõ nhỏ có khả năng xảy ra cháy nổ cao. Khi xảy ra cháy nổ, không kịp thời xử lý, khống chế, khả năng cháy lan sang các nhà liền kề rất cao và dẫn đến vụ việc càng phức tạp, khó lường.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 20 vụ cháy nhà dân. Điển hình là vào tối 10/8, đám cháy lớn xảy tại tầng 2 và 3 của nhà dân ở số 221 đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) đã thiêu rụi hoàn tài sản của gia đình. Trước đó, chỉ trong tháng 5 xảy ra 2 vụ cháy để lại hậu quả thương tâm. Sáng 28/5, vụ cháy xảy ra tại quán cơm ở xã Quang Thành (Kinh Môn) do chị Đ.T.H. ở huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) làm chủ. Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm và thiêu cháy toàn bộ tài sản của quán. Hậu quả đau lòng là vụ cháy khiến cháu V. (sinh năm 2009) con chị H. tử vong và cháu D.A. (sinh năm 2013) con thứ 2 của chị H. bị thương nặng. Rạng sáng 4/5 tại cửa hàng hoa Lâm Oanh ở nhà số 422 đường Nguyễn Lương Bằng (thị trấn Thanh Miện) của vợ chồng anh N.V.T. xảy ra vụ cháy. Hậu quả, cháu bé 12 tuổi của vợ chồng anh chị T. tử vong.

“4 tại chỗ”

Để phòng ngừa cháy nổ, thời gian gần đây, nhiều người dân đã nâng cao ý thức, chủ động trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy. Chị Phạm Thị Chín ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) cho biết gia đình chị kinh doanh đồ uống. “Tôi đã mua 8 bình chữa cháy xách tay để ở 3 tầng và có một số thiết bị phá dỡ, thoát nạn cơ bản như búa, kìm cộng lực, kéo, dây thừng. Nhà tôi cũng là nơi đặt điểm chữa cháy công cộng của thôn”, chị Chín chia sẻ.

Công an thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) phối hợp hướng dẫn biện pháp phòng cháy, chữa cháy cho gia đình chị Phạm Thị Chín là công dân địa phương

Công an thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) phối hợp hướng dẫn biện pháp phòng cháy, chữa cháy cho gia đình chị Phạm Thị Chín là công dân địa phương

Ở Hải Dương, nhiều địa phương có giải pháp, cách làm hay để vận động người dân tự giác phòng cháy. Huyện Thanh Hà phát động phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”. TP Chí Linh vận động nhân dân tự trang bị, xã hội hóa mua bình chữa cháy xách tay tặng cho các “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Đặc biệt, mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” trong cộng đồng đã phát huy sức mạnh toàn dân trong phòng cháy, chữa cháy, kịp thời xử lý sự cố.

Theo tổng hợp của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) toàn tỉnh hiện có 973 “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” trải rộng ở tất cả các địa bàn, xây dựng 247 điểm chữa cháy công cộng tại những nơi có nguy cơ cháy nổ cao. Hầu hết các “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” đều được tập huấn, thực tập, xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Cùng với những thiết bị, dụng cụ theo quy định, nhiều tổ còn tự trang bị máy bơm, cuộn vòi, lăng phun chữa cháy, mặt nạ phòng độc…

Toàn tỉnh có 100% số hộ có nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh của tỉnh có bình chữa cháy xách tay; 40% số nhà dân cũng có bình chữa cháy.

TP Chí Linh xã hội hóa trang bị bình chữa cháy cho nhiều tập thể và gia đình người dân

TP Chí Linh xã hội hóa trang bị bình chữa cháy cho nhiều tập thể và gia đình người dân

Từ ý thức nâng cao, có sẵn trang thiết bị, kỹ năng chữa cháy, thời gian qua, nhiều người dân, lực lượng ở cơ sở đã kịp thời xử lý sự cố cháy khi mới xảy ra. Khoảng 4 giờ 30 chiều 11/9/2024, tại cột điện ngã ba Nghĩa Trang, xã Lai Vu (Kim Thành) xảy ra chập điện dẫn đến cháy hộp điện. Với tinh thần xung kích, anh Nguyễn Văn Hiểu là chủ quán bán ốc ở cạnh đó đã nhanh chóng dùng bình chữa cháy tại chỗ chữa cháy. Sau đó, Công an xã và một số lực lượng khác kịp thời có mặt dập tắt đám không để xảy ra thiệt hại lớn về tài sản.

Theo trung tá Phạm Phúc Giang, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an huyện Cẩm Giàng), khi các hộ chuẩn bị tốt “4 tại chỗ”, nhất là về trang thiết bị, dụng cụ, thông thạo kỹ năng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sẽ phát hiện, xử lý hiệu quả cháy nổ ngay từ “giờ vàng”. Hậu quả của các vụ cháy sẽ được giảm nhẹ rất nhiều.

DT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/phong-ba-hoa-tai-nha-394728.html