'Phông bạt', lừa đảo kêu gọi quyên góp, thông tin sai sự thật về bão lũ: Đáng phê phán và xử lý nghiêm

Cơn bão số 3 (Yagi) gây ra hậu quả nặng nề cho nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Bên cạnh những nghĩa cử cao đẹp, việc làm thiết thực hỗ trợ đồng bào trong vùng bão lũ thì cũng đang xuất hiện hàng loạt các hành vi như: mạo danh cơ quan, đơn vị, tổ chức để lừa đảo kêu gọi quyên góp; “thổi phồng” số tiền ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ; đăng thông tin sai sự thật về bão lũ… Đây là những hành vi rất đáng chê trách, cần bị tẩy chay và xử lý nghiêm.

Chuyển tiền ủng hộ đồng bào vùng bão lũ ít hơn số tiền khoe với mọi người. Tranh minh họa: Lê Duy

Chuyển tiền ủng hộ đồng bào vùng bão lũ ít hơn số tiền khoe với mọi người. Tranh minh họa: Lê Duy

Chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần, nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ lo ngại về xu hướng “sống ảo”, thiếu trách nhiệm của một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ trong các hoạt động cộng đồng. Qua đó, lưu ý mọi người cần cẩn trọng khi đăng tải thông tin; tỉnh táo chọn lọc khi tiếp cận thông tin, nhất là không tin theo, không lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng.

Lật tẩy hành vi gian dối

Ngay sau khi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam công bố các trang sao kê liên quan đến số tiền quyên góp cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi, cộng đồng mạng đã “check var” (kiểm tra) và phát hiện nhiều người đã chia sẻ biên lai chuyển khoản tiền ủng hộ lên mạng xã hội với số tiền được “thổi phồng” so với thực tế.

Bà NGUYỄN THỊ THANH THÚY (ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) chia sẻ, việc giúp đỡ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của dân tộc. Hành vi lợi dụng danh nghĩa từ thiện để trục lợi rất đáng lên án và không thể chấp nhận. Mong cơ quan chức năng có biện pháp chế tài, xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi gian dối sẽ góp phần duy trì niềm tin và sự công bằng trong hoạt động cứu trợ từ thiện.

Có người từng đăng Facebook khoe đã ủng hộ số tiền lên đến 9 con số, tức hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế số tiền ủng hộ là 500 ngàn đồng. Có trường hợp cho biết đã ủng hộ 100 triệu đồng nhưng lại bị phát hiện là đã chuyển từ tài khoản của ngân hàng này sang tài khoản ngân hàng khác của bản thân.

Cũng có trường hợp sau khi cộng đồng mạng “check var” đã ngỡ ngàng phát hiện biên lai giao dịch chuyển khoản do người quen trong nhóm gửi cho mình chỉ là một sản phẩm photoshop. Trong khi số tiền thực tế mà các thành viên trong nhóm đóng góp nhờ người này chuyển ủng hộ nhiều gấp 10 lần số tiền đã được chuyển khoản.

Khi bị lật tẩy số tiền đóng góp không khớp với những thông tin được công bố trên mạng xã hội, các chủ tài khoản bị phát hiện “làm màu” đã nhận về không ít “gạch, đá” từ cộng đồng mạng. Nhiều người nhận định đây là lối sống “phông bạt”, được hiểu là lối sống hình thức, thích “tô vẽ” bề ngoài tạo dựng một hình ảnh hoàn toàn khác so với thực tế.

Việc cố tình tạo ra những điều sai sự thật, “phông bạt” không giúp tăng sự ngưỡng mộ của người khác mà ngược lại sẽ gây phản tác dụng, bị chỉ trích. “Nhiều người lên mạng khoe cuộc sống sang chảnh, ủng hộ bão lũ số tiền lớn, nhưng thực tế thì không phải vậy. Họ làm vậy để tìm kiếm sự công nhận của cộng đồng, nhưng vô tình làm xấu hình ảnh của chính bản thân” - ông Nguyễn Phan Thái Hòa (ngụ thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất) nhận xét.

Theo ông Hòa, hành vi trên sẽ khiến nhiều người mất niềm tin vào lòng tốt. Việc gian dối đó có khi lại ảnh hưởng tới những người cần giúp đỡ và ít nhiều gây ảnh hưởng đến lòng tin của xã hội đối với những người thật sự có ý định tốt.

Phê phán việc “sống ảo”, thích “làm màu” và thiếu trung thực, nhất là khi tham gia hoạt động cộng đồng, hoạt động từ thiện bà Võ Thị Minh (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) bộc bạch, khi đã làm từ thiện, điều được đặt lên hàng đầu chính là cái tâm và minh bạch. Một người làm việc tốt bằng sự chân thành, minh bạch sẽ được mọi người yêu mến, tin tưởng, kính trọng. Cái tâm của bạn sẽ thanh thản nhẹ nhàng, an yên… Ngược lại, sống “phông bạt” sẽ phải đối mặt với áp lực tâm lý khi phải cố duy trì bề ngoài giả tạo. Bài học nhãn tiền của những trường hợp bị cộng đồng mạng “lật tẩy” vừa qua chính là bị mất uy tín, “ném đá”, tẩy chay…

“Gian dối để chiếm đoạt tiền từ thiện, “phông bạt” để đánh bóng tên tuổi, để nhận tán dương, được nhiều lượt tương tác trên mạng nhằm thu lợi bất chính bất chấp các quy chuẩn đạo đức là hành vi đáng phê phán và xử lý nghiêm” - bà Minh kiến nghị.

Cần tẩy chay và xử lý nghiêm

Ngoài lối sống “phông bạt”, thời gian gầy đây, trên mạng xã hội còn xuất hiện tình trạng mạo danh các cơ quan, đơn vị, tổ chức để lừa đảo kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão số 3. Nhiều tài khoản đăng trên mạng xã hội đưa những thông tin sai sự thật về tình trạng vỡ đê ở tỉnh Thái Bình; nhiều người mắc kẹt ở khu ngập nặng ở xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình)… gây hoang mang dư luận.

Trước tình trạng trên mới đây, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát cảnh báo về việc trên mạng xã hội xuất hiện nhiều website, trang thông tin lấy danh nghĩa là MTTQ Việt Nam để huy động, kêu gọi sự hỗ trợ, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng cơn bão số 3.

Cơ quan này lưu ý người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Đồng thời, đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin cảnh báo lừa đảo rộng rãi để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác. Việc phát hiện và báo cáo các trang mạo danh, lừa đảo cũng là cách để góp phần bảo vệ cộng đồng.

Dưới góc nhìn về luật, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia Đồng Nai, cho rằng hành vi sửa đổi, giả mạo chứng từ chuyển tiền, hoặc gian dối để trục lợi, chiếm đoạt số tiền từ thiện không chỉ vi phạm chuẩn mực đạo đức mà còn vi phạm pháp luật. “Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật” - luật sư Ngô Văn Định nhấn mạnh.

Ban Vận động cứu trợ Trung ương đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước khi ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra cần trực tiếp liên hệ với Cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam hoặc ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước để tìm hiểu thông tin, số tài khoản chuyển khoản.

Theo luật sư Ngô Văn Định, tại Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, việc cung cấp thông tin giả mạo, xuyên tạc hoặc vu khống có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5-10 triệu đồng. Đây là mức phạt áp dụng cho các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp làm giả sao kê chuyển tiền từ thiện mà chưa gây ra thiệt hại lớn, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính.

Đối với hành vi làm giả sao kê và kêu gọi từ thiện nhưng không chuyển tiền đúng số tiền đã nhận từ người khác chuyển tới có thể bị xử lý nghiêm theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bao gồm hành vi vay, mượn hoặc thuê tài sản rồi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó. Trong bối cảnh từ thiện, điều này có thể bao gồm việc không thực hiện đúng cam kết về việc quyên góp hoặc chiếm đoạt số tiền quyên góp bằng các thủ đoạn gian dối như làm giả bằng chứng chuyển tiền.

Người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù lên đến 12 năm. Ngoài hình phạt tù, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề từ 1-5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Các hình phạt này nhấn mạnh sự nghiêm trọng của hành vi chiếm đoạt tài sản từ thiện và đảm bảo rằng, những kẻ lừa đảo phải đối mặt với hậu quả nặng nề.

Kim Liễu

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202409/phong-bat-lua-dao-keu-goi-quyen-gop-thong-tin-sai-su-that-ve-bao-lu-dang-phe-phan-va-xu-ly-nghiem-e1d5d9f/