Phòng bệnh mùa đông cho người cao tuổi
ĐBP - Thống kê từ Khoa Lão - Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), do ảnh hưởng của các đợt rét đậm, rét hại, số bệnh nhân là người cao tuổi (NCT) nhập viện điều trị tăng đáng kể. Từ ngày 1 - 23/12, Khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 82 bệnh nhân mắc các bệnh thường gặp vào mùa đông, như: Hô hấp, tim mạch, cơ, xương khớp… Nguyên nhân là do sức đề kháng của NCT có sự suy giảm, dễ bị bệnh khi thay đổi thời tiết, nhất là khi trời chuyển lạnh. Vì vậy, NCT cần chủ động nâng cao thể trạng, chăm sóc sức khỏe hợp lý để phòng bệnh có hiệu quả.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân cao tuổi.
Ghi nhận tại Khoa Lão - Tim mạch cho thấy, những ngày gần đây, khi các đợt không khí lạnh tăng cường thì số lượng bệnh nhân cao tuổi nhập viện điều trị đã tăng khá nhiều. Bên cạnh lí do tuổi tác, thì sự thay đổi thời tiết thất thường chính là nguyên nhân khiến nhiều người già phải nhập viện do cơ thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi môi trường. Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thúy Hà, Trưởng khoa Lão - Tim mạch cho biết: Đối với NCT, khối cơ trong cơ thể sẽ bị giảm xuống, các cơ quan quan trọng (tim, gan, phổi, thận) đều bị mất đi lớp áo giáp bảo vệ khiến hệ miễn dịch đã suy yếu, sức đề kháng kém. Vào thời điểm mùa đông, bên cạnh những bệnh thông thường như: Cao huyết áp, ho, sốt, nhức xương khớp, viêm phổi, viêm đường hô hấp, chứng tê nhức chân tay… thì đây chính là thời điểm gia tăng mạnh nhất tỷ lệ người già mắc các bệnh lý về tim mạch nguy hiểm. Trong đó, điển hình là bệnh đột quỵ, một bệnh có tỷ lệ người tử vong cao, cũng như để lại nhiều di chứng nặng nề (rối loạn nhận thức, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn thị giác, liệt vận động…).
Việc phòng tránh bệnh trong mùa đông là điều cần thiết của gia đình và bản thân mỗi người NCT. Đảm bảo thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe cho NCT sẽ giảm bớt nguy cơ mắc bệnh nặng, giảm được gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe trong mùa đông, Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hà khuyến cáo: NCT nên chú ý bổ sung các thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau củ quả, các loại có nhiều vitamin C, khoáng chất, hạn chế ăn mỡ động vật, tránh rượu bia, thuốc lá, chất kích thích; cần mặc đủ ấm khi ra ngoài, hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm; tạo môi trường ấm áp khi làm việc, nghỉ ngơi, phòng ở phải đảm bảo thông thoáng nhưng ấm và tránh bị gió lùa; tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, nếu không có việc cần thiết nên tránh đi ra ngoài trời lạnh.
Bên cạnh đó, NCT cần được khuyến khích duy trì chế độ tập luyện đều đặn để giúp cho cơ thể giữ được khối lượng cơ, cơ không bị teo, nhão; giúp cho khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái; củng cố và tăng cường sự hoạt động của hệ tim mạch, hô hấp; giảm đường huyết; giảm mỡ máu; ăn uống chóng tiêu và giúp cho cơ thể tăng khả năng chịu lạnh. Khi tập thể dục cũng phải chọn chỗ kín gió, ấm áp, thậm chí có thể tập ngay trong nhà khi thời tiết quá lạnh. Trước khi tập nên khởi động làm ấm cơ thể, duy trì thời lượng tập thích hợp và chú ý tập luyện sao cho vừa sức. Đối với gia đình có người NCT nên chuẩn bị điện thoại hoặc chuông báo để khi cần thiết thông báo cho người nhà hoặc số điện thoại cấp cứu. Đặc biệt, NCT cần duy trì lịch khám bệnh tổng quát định kỳ để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.