Phòng bệnh sốt xuất huyết: Cần sự chung tay của người dân

Đứng trước tình hình số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước gia tăng, mới đây, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống các dịch bệnh, trong đó có bệnh SXH. Là một trong những địa phương có số ca mắc cao, tỉnh Khánh Hòa đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống SXH. Tuy nhiên, để công tác phòng bệnh đạt hiệu quả rất cần sự chung tay của người dân.

Nguy cơ gia tăng ca mắc sốt xuất huyết

Theo Tổ chức Y tế thế giới, từ đầu năm đến nay, SXH tiếp tục lưu hành ở mức cao tại khu vực Đông Nam Á và có xu hướng gia tăng trong những tuần gần đây. Cụ thể, Malaysia ghi nhận hơn 21.000 ca mắc; Singapore hơn 20.000 ca; Philippines hơn 110.000 ca... Đã có 437 ca tử vong vì SXH.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh úp, đổ nước các dụng cụ chứa nước ở nhà hộ dân để ngăn muỗi đẻ trứng.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh úp, đổ nước các dụng cụ chứa nước ở nhà hộ dân để ngăn muỗi đẻ trứng.

Tại Việt Nam ghi nhận hơn 24.630 ca mắc SXH, số ca mắc đang có dấu hiệu tăng cục bộ tại một số địa phương, đặc biệt khu vực phía nam (chiếm hơn 70% tổng số ca trên toàn quốc); nhiều tỉnh, thành có số ca mắc tăng gấp 2 đến gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tại hội nghị, các chuyên gia nhận định, theo chu kỳ, số ca mắc SXH sẽ tăng mạnh từ tháng 6 đến tháng 12 hằng năm. Cùng với đó, những năm gần đây, chu kỳ bùng phát dịch SXH có xu hướng rút ngắn từ 5 năm xuống còn 3 hoặc 4 năm. Hiện nay, dịch SXH trong nước vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết mưa, nắng thất thường như hiện nay thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, vì thế nguy cơ rất lớn dịch bệnh SXH bùng phát trong thời gian tới.

Với diễn biến phức tạp của bệnh SXH, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ và biện pháp phòng bệnh; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và các chỉ số về muỗi để có biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả; tăng cường đào tạo chuyên môn cho cán bộ phòng bệnh và điều trị; chủ động triển khai các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm phòng, chống bệnh. Trong đó, Cục trưởng Cục Phòng bệnh Hoàng Minh Đức nhấn mạnh giải pháp phòng bệnh thiết thực nhất là tổ chức hiệu quả các chiến dịch diệt lăng quăng, lồng ghép với chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi; đồng thời xử lý kịp thời các ổ dịch.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 3.440 ca mắc SXH, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh ghi nhận 175 ổ dịch, trong đó có 127 ổ dịch đã được xử lý triệt để. Với diễn biến phức tạp của bệnh SXH, ngành Y tế tỉnh đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế về tăng cường công tác phòng, chống SXH, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức các đoàn giám sát công tác xử lý dịch SXH tại các địa phương; định kỳ hằng tháng, cập nhật và ban hành danh sách các thôn, tổ dân phố có nguy cơ cao cần tổ chức diệt lăng quăng theo tần suất 1 lần/tuần, 1 lần/2 tuần. Các cơ sở y tế triển khai chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH lần thứ 15, kết hợp chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất chủ động; thường xuyên giám sát dịch tễ, cập nhật và theo dõi ca bệnh, xác định ổ dịch và xử lý kịp thời với tỷ lệ đạt 100%. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các xã, phường tùy theo tình hình dịch bệnh tại địa phương đã huy động lực lượng tổ chức diệt lăng quăng tại các điểm nguy cơ cao…

Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Tuy ngành Y tế tỉnh và các địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu năm, số ca mắc có giảm và chững lại, tuy nhiên từ tháng 5, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng. Bên cạnh thời tiết, nguyên nhân do nhiều người dân vẫn còn chủ quan, lơ là trong phòng bệnh SXH, nhất là chưa tự giác thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng tại nhà. Qua các đợt giám sát của trung tâm tại các hộ gia đình có người bệnh SXH, khi kiểm tra một số vật dụng chứa nước vẫn có lăng quăng. Tình trạng người dân tự ý mua thuốc ở các nhà thuốc tư nhân tự điều trị bệnh SXH tại nhà còn phổ biến, điều này gây khó khăn cho công tác quản lý bệnh nhân tại cộng đồng và công tác xử lý triệt để các ổ dịch. Các chiến dịch diệt lăng quăng ở một số địa phương chưa đạt hiệu quả, mang tính tuyên truyền vận động là chủ yếu, chưa bắt tay cùng người dân tìm, diệt lăng quăng...”.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh SXH. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện hệ thống phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm để các địa phương cập nhật nhanh các ca bệnh, ổ dịch, từ đó có hướng xử lý kịp thời. Các địa phương cần truyền thông theo hướng thay đổi thói quen của người dân về giữ vệ sinh môi trường, chủ động thực hiện diệt muỗi, lăng quăng tại hộ gia đình; có chế tài xử lý hộ gia đình không thực hiện khuyến nghị diệt lăng quăng theo yêu cầu của ngành Y tế. Trạm y tế, trung tâm y tế các địa phương tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại các địa phương cần tổ chức các lớp tập huấn về cách thức diệt lăng quăng cho người dân…

Mỗi gia đình chỉ cần dành 10 phút/ngày để diệt lăng quăng là đã góp phần ngăn chặn sự phát triển của muỗi và cắt đứt nguồn lây truyền bệnh. Đây là giải pháp ngành Y tế tỉnh mong muốn người dân chung tay thực hiện.

C.ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202507/phong-benh-sot-xuat-huyet-can-su-chung-tay-cua-nguoi-dan-4a865ab/