Phòng bệnh tăng huyết áp trong mùa lạnh

ĐBP - Tăng huyết áp là bệnh rất phổ biến hiện nay, theo thống kê có khoảng 30% người trưởng thành mắc tăng huyết áp, như vậy cứ 3 người có 1 người bị tăng huyết áp. Khi thời tiết trở lạnh là yếu tố rất bất lợi đối với người mắc bệnh tăng huyết áp vì nhiệt độ thấp khiến các mao mạch co lại, huyết áp đột ngột tăng cao, dễ gây các biến chứng, đặc biệt là tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, thậm chí là tử vong.

Bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh theo dõi huyết áp cho bệnh nhân. Ảnh: Châu Linh

Thực tế tại các cơ sở khám chữa bệnh của tỉnh cho thấy, số bệnh nhân tăng huyết áp ngày càng có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Ða khoa tỉnh), từ đầu tháng 1 đến nay có hơn 500 bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó gần 20 bệnh nhân mới. Phần lớn các bệnh nhân có tiền sử điều trị bệnh trong thời gian dài, được lập sổ và quản lý tại khoa. Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) cho biết: Tăng huyết áp là bệnh mạn tính phổ biến ở người cao tuổi do sự lão hóa khiến động mạch trở nên cứng và ít mềm dẻo. Tình trạng này dẫn đến huyết áp tâm thu cao, tạo ra sự chênh lệch lớn giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương ở người cao tuổi. Tăng huyết áp dẫn đến nguy cơ chủ yếu của bệnh mạch vành và tai biến mạch máu não. Ðây là các biến chứng hay gặp và có tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề như mất ý thức, liệt nửa người… làm mất khả năng lao động, thậm chí cần được chăm sóc và phục vụ lâu dài. Chính vì vậy, việc chủ động kiểm soát bệnh lý tăng huyết áp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp giảm thiểu gánh nặng đối với chính người bệnh và gia đình người bệnh.

Bà Nguyễn Thị Lý, 52 tuổi, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) bị bệnh về huyết áp đã 7 năm nay, thời gian gần đây mặc dù uống thuốc đều đặn nhưng huyết áp luôn thất thường, lúc tăng lúc giảm nên bà đã đến bệnh viện để khám và điều trị. Cách đó không xa, chị Mầu Như Hoa, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) cũng vừa đưa bố chồng là ông Nguyễn Văn San (66 tuổi) đến khám bệnh. Chị Hoa cho biết: Ông San bị huyết áp cao nhiều năm, hơn 1 tuần nay ông thường bị hoa mắt, chóng mặt và buồn nôn. Ðo huyết áp tại gia đình thì thấy huyết áp tối đa của ông luôn tăng trên 180mmHg. Vì vậy, tôi phải đưa ông đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và điều trị.

Theo bác sĩ Mai, trong những ngày lạnh rét đối với người bị huyết áp cao, nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch não) tăng gấp 4 lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 2 lần so với người bình thường. Những biểu hiện hay gặp nhất của tăng huyết áp gồm: Ðau đầu, giật hai bên thái dương, choáng váng, chóng mặt, nóng bừng mặt, mất ngủ, tiểu đêm, chảy máu mũi, giảm thị lực, hồi hộp trống ngực...

Nhiều người cho rằng, bệnh tăng huyết áp chỉ có ở người già, nhưng hiện nay, tỉ lệ mắc bệnh tăng huyết áp đang có xu hướng tăng dần đối với người trẻ (dưới 35 tuổi). Là bệnh lý rất nguy hiểm, nếu không được điều trị đúng và đầy đủ, tăng huyết áp sẽ gây rất nhiều biến chứng như: Suy tim, tai biến mạch máu não, suy thận, nhồi máu cơ tim, thậm chí có thể gây tử vong.

“Ðể hạn chế tăng huyết áp, người bệnh cần đi khám và điều trị thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ. Tăng huyết áp là bệnh mạn tính, phải điều trị lâu dài, liên tục theo đúng phác đồ điều trị. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc; phải thường xuyên đi khám định kỳ; không tự bỏ thuốc khi huyết áp đã về trị số bình thường mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị” - bác sĩ Mai cho biết thêm.

Chủ động phòng tránh tăng huyết áp trong mùa lạnh, mọi người nên hạn chế đi ra ngoài và thay đổi tư thế đột ngột, tránh gió lùa. Khi ngủ dậy cần phải mặc ấm ngay, không ra khỏi giường ngay; không nên dậy quá sớm (4 - 5 giờ sáng) vì huyết áp lúc đó hay tăng; không nên đi ra đường quá sớm hay quá muộn để tránh nhiễm lạnh. Có chế độ ăn uống hợp lý, giảm muối, ăn nhiều rau quả, hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá, vận động thường xuyên... Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi phù hợp, tránh căng thẳng, lo âu quá mức. Bác sĩ khuyến cáo những người có tiền sử huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… cần chủ động kiểm soát huyết áp, khi thấy có những biểu hiện bất thường như nói ngọng, tê bì hoặc liệt nửa người, nhìn không rõ, đau đầu dữ dội… cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tránh để gây biến chứng.

Châu Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/y-te/184622/phong-benh-tang-huyet-ap-trong-mua-lanh