Phòng bệnh tiểu đường bằng cách ăn nhiều đậu hơn

Thay vì cắt giảm khẩu phần và lượng thức ăn, những người thừa cân có nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 có thể cải thiện chất lượng thức ăn bằng các bữa ăn nhiều đậu.

 Ảnh: Mashed.

Ảnh: Mashed.

Các nghiên cứu trên nhiều dân tộc cho thấy những người ăn nhiều đậu (ví dụ đậu, đậu tách vỏ, đậu gà và đậu lăng) có xu hướng nhẹ cân hơn. Họ cũng có vòng eo nhỏ hơn, ít béo phì hơn và huyết áp thấp hơn so với những người không ăn nhiều rau củ. Nhưng liệu có phải những lợi ích này không chỉ do bản thân các loại đậu mà do những người ăn nhiều rau củ hơn nhìn chung thường có chế độ ăn lành mạnh hơn phải không?

Để biết được mối liên hệ, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công cụ hiệu quả nhất trong nghiên cứu dinh dưỡng: thử nghiệm can thiệp. Thay vì chỉ quan sát những gì người ta ăn vào, bạn hãy thay đổi chế độ ăn của họ để xem chuyện gì xảy ra. Trong trường hợp này, họ đưa các loại đậu vào thử nghiệm bằng cách so sánh trực tiếp việc ăn thêm đậu với việc hạn chế calorie.

Giảm mỡ bụng là cách tốt nhất để ngăn ngừa tiền tiểu đường tiến triển thành tiểu đường nặng. Mặc dù cắt giảm calorie là nền tảng của hầu hết chiến lược giảm cân, bằng chứng cho thấy đa phần những người giảm cân bằng cách kiểm soát khẩu phần ăn cuối cùng cũng tăng cân trở lại. Nhịn ăn không bao giờ hiệu quả về lâu dài. Vì vậy nếu chúng ta có thể tìm ra cách để ăn nhiều mà vẫn giảm cân thì còn gì bằng?

Các nhà nghiên cứu đã chia những đối tượng thừa cân thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất được yêu cầu ăn năm chén đậu mỗi tuần gồm đậu lăng, đậu gà, đậu tách vỏ hoặc bạch yêu đậu (navy bean) - nhưng giữ nguyên chế độ ăn của họ. Nhóm thứ hai được yêu cầu đơn giản là cắt giảm 500 kcal mỗi ngày từ chế độ ăn của mình. Hãy đoán xem ai khỏe mạnh hơn?

Đó là nhóm được chỉ định ăn nhiều hơn. Việc ăn các loại đậu được chứng minh có tác dụng làm giảm vòng eo và cải thiện kiểm soát đường huyết hiệu quả tương đương biện pháp cắt giảm calorie. Nhóm ăn đậu còn cải thiện được cholesterol và điều tiết insulin.

Đây là tin đáng khích lệ với những người thừa cân có nguy cơ mắc tiểu đường loại 2. Thay vì cắt giảm khẩu phần và lượng thức ăn, họ có thể cải thiện chất lượng thức ăn bằng các bữa ăn nhiều đậu.

Chất béo bão hòa còn độc hại đối với tế bào tuyến tụy sản sinh insulin. Ở độ tuổi 20, cơ thể ngừng sản sinh tế bào beta tuyến tụy mới. Kể từ đó, nếu bị mất đi, là mất vĩnh viễn. Các khám nghiệm tử thi chứng minh rằng vào lúc được chẩn đoán mắc tiểu đường loại 2, cơ thể bạn có thể đã bị mất một nửa số lượng tế bào beta.

Độ độc hại của các chất béo bão hòa có thể được chứng minh một cách trực tiếp. Nếu chúng ta để các tế bào beta tiếp xúc với chất béo bão hòa hay LDL (cholesterol xấu) trên đĩa nuôi cấy, các tế bào beta bắt đầu hết đi. Kết quả tương tự không xảy ra với chất béo không bão hòa đơn có trong thực phẩm thực vật giàu chất béo như quả hạch. Khi bạn ăn chất béo bão hòa, cả tác dụng của insulin lẫn việc tiết insulin đều hư hại trong vòng vài giờ sau đó. Càng có nhiều chất béo bão hòa trong máu, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 càng cao.

Dĩ nhiên, cũng như có người hút thuốc lá nhưng không mắc ung thư phổi, không phải ai ăn quá nhiều chất béo bão hòa cũng mắc bệnh tiểu đường. Có yếu tố di truyền ở đây. Nhưng đối với những người đã có yếu tố di truyền thì chế độ ăn quá nhiều calorie và giàu chất béo bão hòa được xem là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường loại 2.

Michael Greger/NXBTrẻ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phong-benh-tieu-duong-bang-cach-an-nhieu-dau-hon-post1376683.html