Phòng bệnh trở thành lớp học trải nghiệm cho các bệnh nhi
Để đem đến niềm vui cho các bệnh nhi đang điều trị bệnh tan máu bẩm sinh, các bác sĩ, điều dưỡng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã biến bông, gạc... trở thành dụng cụ học tập trải nghiệm làm nghề bác sĩ, điều dưỡng. Hoạt động này vừa tạo sân chơi vừa giúp các em bớt nhớ trường, nhớ lớp.
Trung tâm Thalassemia (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) đang điều trị cho 3.000 bệnh nhân mắc tan máu bẩm sinh, trong đó số lượng bệnh nhi chiếm khoảng 50%.
Tan máu bẩm sinh (thalassemia) là bệnh lý di truyền phổ biến trên thế giới, ước tính 7% dân số toàn cầu mang gene và bị ảnh hưởng bởi bệnh lý này. Tại Việt Nam, tất cả 63 tỉnh, thành và 54 dân tộc đều có người mang gene bệnh thalassemia. Nhiều dân tộc có tỷ lệ mang gene thalassemia lên tới 30%-40%, riêng dân tộc Kinh là 9,8%. Ước tính, có khoảng 14 triệu người Việt Nam mang gene bệnh này.
Bệnh có 2 biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Người bệnh mức độ nặng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các triệu chứng như: biến dạng xương mặt (trán dô, mũi tẹt), suy tuyến nội tiết, chậm phát triển, suy gan, xơ gan, suy tim, thậm chí có nguy cơ tử vong.