Phòng bệnh viêm đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ

ĐBP - Trẻ nhỏ rất dễ bị viêm đường hô hấp dưới do sức đề kháng còn yếu, nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh kết hợp với môi trường sống ô nhiễm hoặc thay đổi thời tiết. Viêm đường hô hấp dưới hay nhiễm trùng đường hô hấp dưới là các bệnh lý nhiễm trùng ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới (ở dưới thanh quản), trong đó viêm phổi và phế quản, tiểu phế quản là bệnh lý viêm hô hấp dưới thường gặp nhất. Bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Anh L.V.T., bản Na Dôn, xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên) có con gái 17 tháng tuổi bị bệnh viêm phổi đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Điện Biên. Sau khi thấy cháu có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi gia đình chỉ nghĩ cháu bị cảm cúm thông thường. Anh T. cho biết: Ban đầu, tôi dùng các phương pháp dân gian như cho con uống mật ong, chanh đào nhưng không đỡ. Khi thấy tình trạng của cháu nặng dần, ho, sốt nhiều nên gia đình đã đưa cháu vào Trung tâm Y tế huyện Điện Biên khám. Qua 6 ngày điều trị tại đây, sức khỏe của cháu đã ổn định và có thể ra viện.

Bác sĩ đa khoa Hà Thị Liên, Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên) cho biết: Bệnh viêm hô hấp dưới thường gặp ở trẻ sơ sinh đến 6 tuổi. Biểu hiện của viêm hô hấp dưới tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng; trường hợp nhiễm trùng nhẹ, triệu chứng có thể giống với bệnh cảm cúm thông thường là bị nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, ho khan, sốt, đau họng nhẹ, đau đầu âm ỉ và với các nhiễm trùng nặng hơn có thể là ho nặng, có khi xuất hiện đờm, sốt cao, khó thở, da có màu xanh, thở nhanh, đau ngực, thở khò khè, rút lõm lồng ngực. Nguyên nhân gây nên tình trạng viêm đường hô hấp dưới là do vi khuẩn, vi rút, hoặc bụi bẩn, hóa chất, hơi nước, ô nhiễm không khí, các chất gây dị ứng, khói thuốc lá (những người hút thuốc lá, hút thuốc lá thụ động thường xuyên có nguy cơ viêm đường hô hấp cao hơn do hệ thống niêm mạc bị tổn thương) có thể gây kích thích, gây viêm đường thở, viêm phổi.

Thống kê từ đầu năm đến nay, tại Trung tâm Y tế huyện Điện Biên có 126 trẻ bị mắc bệnh viêm đường hô hấp dưới, đa số trẻ được đưa đến cơ sở y tế trong tình trạng bệnh đã có ho, sốt kéo dài, phải điều trị dài ngày. Do nhiều bậc cha mẹ vẫn chủ quan khi trẻ bị sốt nhẹ, ho và có những sai lầm trong việc tự ý chữa trị, không đưa trẻ đi đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh kịp thời khiến tình trạng của trẻ diễn biến xấu, thở rút lõm lồng ngực phải thở máy.

Bác sĩ Hà Thị Liên cho biết: Để phòng ngừa viêm đường hô hấp dưới, tránh để bị nhiễm khuẩn hoặc vi rút gây bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người có mầm bệnh; giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ; không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc; đeo khẩu trang khi ra đường; tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm; tiêm vắc xin chủng ngừa phế cầu khuẩn; giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh, đặc biệt các bộ phận như cổ, ngực; nâng cao hệ miễn dịch thông qua các hoạt động thể chất và chế độ ăn uống lành mạnh. Khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh viêm đường hô hấp dưới, không được tự ý sử dụng thuốc, nhất là các loại thuốc kháng sinh mà phải uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu trẻ ho nhiều, sốt trên 38oC, khó thở, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh và xử trí kịp thời.

Thùy Trang

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/suc-khoe/196375/phong-benh-viem-duong-ho-hap-duoi-o-tre-nho