Phong bì nửa tỷ đồng trong túi hoa quả tặng sinh nhật cựu tổng cục trưởng

Ông Nguyễn Văn Thuấn (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản) khai rằng đã giật mình khi thấy phong bì chứa số tiền nửa tỷ đồng trong túi hoa quả do chủ tịch công ty khai thác khoáng sản tặng sinh nhật.

Cựu thứ trưởng nhận một phần trách nhiệm trong cấp phép

TAND TP Hà Nội đang xét xử vụ án Công ty Thái Dương khai thác trái phép đất hiếm ở mỏ Yên Phú (tỉnh Yên Bái), gây thất thoát cho Nhà nước hơn 736 tỷ đồng.

Tại phần xét hỏi, HĐXX tập trung làm rõ trách nhiệm của bị cáo Nguyễn Linh Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong việc ký giấy phép khai thác khoáng sản cấp cho Công ty Cổ phần Thái Dương tại mỏ đất hiếm Yên Phú (Yên Bái) năm 2013.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc có nhận thức được sai phạm khi ký giấy phép này hay không, bị cáo Ngọc trình bày: Theo giấy phép, nếu Công ty Thái Dương thực hiện đúng các điều khoản đã được cấp thì sẽ không dẫn đến những sai phạm đáng tiếc như ngày hôm nay.

Ông Ngọc cho rằng hồ sơ cấp phép được nộp từ năm 2011, thời điểm Luật Khoáng sản 2005 còn hiệu lực, nên về hình thức là đầy đủ. Tuy nhiên, đến 1/7/2011, Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng cấp phép đối với các hồ sơ đang tiếp nhận để rà soát. “Chúng tôi đã tạm dừng cấp phép này”, ông Ngọc nói.

 Cựu thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Linh Ngọc. Ảnh:N.H.

Cựu thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Linh Ngọc. Ảnh:N.H.

Ông Ngọc tiếp tục trình bày nhưng HĐXX đã ngắt lời và tiếp tục hỏi: "Liên quan việc ký cấp phép cho Công ty Thái Dương, Bộ Tài nguyên và Môi trường hay Chính phủ có chỉ đạo công ty này phải hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản hoặc Trung Quốc nào không?"

Ông Ngọc khẳng định, chỉ có định hướng bắt buộc gắn khai thác với chế biến, không có yêu cầu cụ thể về đối tác. Trong trường hợp này, Công ty Thái Dương đã hợp tác với một doanh nghiệp Nhật Bản. Việc hợp tác này được Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Thủ tướng có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cấp phép trên nguyên tắc, tỉnh Yên Bái theo dõi quá trình triển khai dự án.

Ngoài ra, ông Ngọc cũng phủ nhận việc có người tác động hay can thiệp để ông ký cấp phép cho Công ty Thái Dương và cũng không có mối quan hệ cá nhân nào với doanh nghiệp này trước đó. Việc ký giấy phép là dựa trên tờ trình và biên bản thẩm định kèm theo, và được thực hiện trong bối cảnh chính sách định hướng rõ ràng của Chính phủ về khai thác gắn với chế biến sâu.

HĐXX chất vấn thêm: “Khi hồ sơ được trình lên, có cán bộ nào nói với bị cáo rằng hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp phép không?”. Ông Ngọc cho biết quy trình trình hồ sơ từ Tổng cục Khoáng sản chuyển qua văn thư rồi mới vào phòng làm việc của ông.

“Chúng tôi không trực tiếp tiếp xúc cán bộ thẩm định mà nghiên cứu hồ sơ theo đường công văn. Nếu thấy có vấn đề sẽ có ý kiến trả lại”, ông nói.

Trả lời HĐXX về việc truy tố, bị cáo Linh Ngọc cho rằng việc truy tố là “có cơ sở”. Ông thừa nhận có phần trách nhiệm trong quá trình cấp phép.

Giật mình vì phong bì nửa tỷ đồng trong túi hoa quả

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khai nhận từ năm 2013, Công ty Thái Dương nộp hồ sơ cấp phép khai thác mỏ đất hiếm đến Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, dựa trên bộ hồ sơ đã từng nộp trước đó vào năm 2011.

Lẽ ra, hồ sơ của doanh nghiệp phải được thẩm định lại, xem xét tất cả, "nhưng vì lúc đó cấp dưới trình lên, thấy đầy đủ theo quy định nên bị cáo không kiểm tra, đọc dự thảo giấy phép thì ký tờ trình luôn", ông Thuấn khai.

Theo lời khai, năm 2012, ông Thuấn làm việc với một doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn hợp tác với Công ty Thái Dương trong khai thác đất hiếm. Tuy nhiên, phía đối tác bày tỏ lo ngại rằng trữ lượng mỏ Yên Phú không đủ để xây dựng nhà máy.

Trước tình hình đó, ông Thuấn đã giới thiệu cho đối tác về một mỏ khác vừa được phát hiện và khuyến nghị có thể làm thủ tục xin thăm dò, khai thác.

“Bị cáo rất kỳ vọng vào một hợp tác như vậy, nên nói sẽ tạo điều kiện trong khuôn khổ pháp luật. Cũng vì tâm lý này mà bị cáo đã chủ quan, không xem kỹ hồ sơ”, ông trình bày trước HĐXX.

Lý do thứ hai được ông Thuấn đưa ra là trong giai đoạn này, ông là người chủ trì xây dựng chính sách thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, quá trình soạn thảo vấp phải sự phản ứng mạnh từ các nhóm lợi ích vì mức thu quá cao – mỏ nhỏ cũng phải nộp hàng tỷ đồng, trong khi mỏ lớn có thể lên tới hàng nghìn tỷ.

Ông Thuấn khai chỉ biết duy nhất ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Dương, khi tham gia họp hội đồng khoáng sản, thăm dò… để xem xét cấp phép đối với mỏ đất hiếm Yên Phú.

"Bị cáo Đoàn Văn Huấn có gặp gỡ, nhờ vả gì để được cấp giấy phép không?", chủ tọa hỏi. Ông Thuấn phủ nhận "hoàn toàn không", vì bị cáo luôn làm việc theo quy định.

Tại tòa, ông Thuấn thừa nhận mình sai. "Vậy sai ở đâu?", chủ tọa truy vấn. Ông Đoàn Văn Thuấn khai nhận hồ sơ chưa đủ điều kiện theo quy định, lẽ ra phải có giấy phép đầu tư, chứng thư kiểm toán…

Sau khi Công ty Thái Dương được cấp giấy phép, vào khoảng tháng 7/2013, văn phòng tổ chức sinh nhật cho ông Thuấn. Ông Đoàn Văn Huấn, có đến tham dự, chúc mừng bằng một bó hoa và một túi hoa quả. Khi về, ông Thuấn mở túi hoa quả ra thì thấy bên trong có phong bì 500 triệu đồng.

"Bị cáo giật mình, gọi lại cho anh Huấn nhưng không nhấc máy", cựu Tổng cục trưởng khai và cho biết đã nộp lại toàn bộ số tiền nêu trên.

Theo cáo trạng, từ năm 2012, ông Nguyễn Linh Ngọc – khi đó là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – được giao phụ trách lĩnh vực địa chất, khoáng sản, có nhiệm vụ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép.

Trước đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã tiếp nhận hồ sơ xin khai thác mỏ đất hiếm Yên Phú của Công ty CP Thái Dương. Dù hồ sơ còn nhiều sai phạm như giấy chứng nhận đầu tư đã hết hạn, thiếu dự án chế biến sâu và không đủ năng lực tài chính, ông Ngọc vẫn ký báo cáo khẳng định “đủ điều kiện”, gửi Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc với điều kiện nghiêm ngặt, ông Ngọc lại chỉ đạo hoàn tất hồ sơ và ký cấp phép cho doanh nghiệp này vào năm 2013.

Cáo trạng nêu, hành vi sai phạm của ông Ngọc cùng nhiều cán bộ Bộ TN&MT đã tạo điều kiện để Công ty Thái Dương khai thác, tiêu thụ trái phép đất hiếm và quặng sắt, thu lợi bất chính 736 tỷ đồng. Doanh nghiệp này còn lập hóa đơn gian dối để trốn gần 10 tỷ đồng tiền thuế.

Quỳnh An

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/phong-bi-nua-ty-dong-trong-tui-hoa-qua-tang-sinh-nhat-cuu-tong-cuc-truong-post185492.html