Phong cảnh Việt Nam, mỏ vàng của nhiếp ảnh

50 ảnh phong cảnh đẹp nhất thế giới năm 2020 vừa được Agora (mạng xã hội dành cho nhiếp ảnh gia toàn cầu) công bố. Trong đó, bức ảnh chụp núi lửa Chư Đăng Ya của Việt Nam gây ngạc nhiên thú vị. So với nhiều bộ môn nghệ thuật thường đua tài trên trường quốc tế, nhiếp ảnh Việt Nam lâu nay luôn đạt được vị thế cao hơn cả.

Người dân Tây Nguyên canh tác trên sườn núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: Thụy Văn

Người dân Tây Nguyên canh tác trên sườn núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: Thụy Văn

Tác giả của bức ảnh chụp núi lửa Chư Đăng Ya là Nguyễn Ngọc Hòa, một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi để tâm theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh đã 5 năm qua. Ngọc Hòa là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai, là người Gia Lai sống và kinh doanh dịch vụ tại Tây Nguyên. Có thể nói, anh là một người chơi ảnh nghệ thuật đúng nghĩa, khi làm rất nhiều nghề để theo đuổi đam mê của bản thân.

Có một yếu tố để các nhiếp ảnh gia như Ngọc Hòa có thể tự tin đua tài trong giới ảnh nghệ thuật quốc tế chính là anh có thể tìm thấy ở chính nơi mình sống, trên đất nước Việt Nam muôn vàn cảnh đẹp và lạ mắt. Đây là một trong những nhiếp ảnh gia thành thạo việc khai thác tính địa phương, cá nhân khi tham gia trong những sân chơi toàn cầu. Phong cảnh trong ảnh chính là quê hương, là nơi sinh ra hằng ngày nhìn thấy trong hàng vạn khoảnh khắc bằng mắt thường, nhưng con mắt xanh của nhiếp ảnh gia vẫn nhìn ra một khảnh khắc xuất thần và một góc chụp lạ nhất.

Bức ảnh Chư Đăng Ya nhìn từ trên cao là khoảnh khắc đó. Thời điểm bấm máy hoàn hảo nhất trong ngày khi ánh sáng và mây bay thấp khiến cho ngọn núi lửa miệng dương đã tắt hàng triệu năm được chia nhỏ thành các ô đất canh tác huyền ảo hư thực. Trên ngọn núi, từ đỉnh núi xuống các vách dựng là những thửa ruộng đất đỏ bazan màu nâu riêng có vừa được cày xới để bắt đầu một vụ mùa mới. Hoàn hảo để có một cái nhìn khác lạ về nơi còn nhiều bí ẩn có quá trình vận động địa chất hình thành mảnh đất Tây Nguyên, Việt Nam.

Ngọn núi này nằm ở làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Điều đáng nói là địa danh này chỉ mới được khai thác cho du lịch khi những nhóm phượt thủ (người ưa thích du lịch bụi) trẻ tuổi khám phá ra nơi này. Nó dần trở nên nổi tiếng và cứ 2 năm một lần, tỉnh Gia Lai tổ chức lễ hội hoa dã quỳ ở đây để khai thác du lịch với quy mô và mức độ quảng bá chưa đủ để tăng giá trị của ngọn núi lửa cũ.

Vì vậy, núi lửa Chư Đăng Ya vẫn là một phong cảnh lạ, trong con mắt của giới nhiếp ảnh gia, đó vẫn là một điểm đến hoang dã đẹp nhất Tây Nguyên. Trong số 50 bức ảnh phong cảnh đẹp nhất được Agora đưa ra, chỉ có 2 đại diện chụp tại Đông Nam Á và đều là ảnh chụp núi lửa: Chư Đăng Ya (Việt Nam) và Bromo (Indonesia).

Tuy là một tác giả trẻ, nhưng Nguyễn Ngọc Hòa khao khát làm dày thêm thành tích giải thưởng ảnh của anh bằng rất nhiều cuộc thi ảnh quốc tế. Anh là đại diện của đội ngũ nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên ảnh nghệ thuật của Việt Nam luôn bội thu về giải thưởng qua từng năm, từ thời đại ảnh in tráng thủ công đến cập nhật đỉnh cao của ảnh kỹ thuật số hiện nay. Các nhiếp ảnh gia với nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận chính là nhờ kho tàng phong cảnh tuyệt đẹp và gợi cảm xúc của thế giới động, thực vật nhiệt đới, của thời tiết khí hậu và đặc điểm địa hình đặc sắc của Việt Nam.

Khai thác yếu tố bản địa trong nhiếp ảnh không phải hướng đi mới mà là xu hướng mới của tất cả các bộ môn nghệ thuật. Khi hòa trộn vào đời sống nghệ thuật quốc tế, người làm nghệ thuật không có cá tính và chạy đua theo các style (kiểu) và phong cách Âu hóa, Mỹ hóa hay là các phong trào nghệ thuật mới nổi của Nhật Bản, Hàn Quốc... đều rất dễ bị hất ra ngoài cuộc chơi. Điều đó giải thích vì sao đông đảo người chơi ảnh nghệ thuật ở Việt Nam có bộ sưu tập thành tích phong phú và không ngừng nhận được nhiều giải thưởng danh giá.

Không bị bó buộc về tầm cao đòi hỏi giác quan chính trị, tiêu chuẩn nghệ thuật hàn lâm, kỹ thuật công nghệ tiên tiến, lĩnh vực ảnh nghệ thuật đơn thuần là cuộc chơi của mỹ thuật, của tình yêu bất tận đối với thiên nhiên, với đời sống. Nhưng giá trị gia tăng của những cuộc chơi màu sắc và ánh sáng đó chính là sự quảng bá vô giá dành cho thiên nhiên, đất nước, con người và du lịch văn hóa Việt Nam. Một bức ảnh được giải thưởng quốc tế, được triển lãm và trưng bày trên thế giới không những làm tăng giá trị cho di sản thiên nhiên văn hóa, mà còn sản sinh ra giá trị kinh tế về lâu dài.

Điều thú vị nữa là phần lớn các nhiếp ảnh gia đều có đời sống gắn bó với địa phương nơi mình có thể sinh hoạt, sáng tác và chia sẻ diện hẹp với các đồng nghiệp cùng chí hướng. Họ gọi đó là mảnh đất màu mỡ để khai thác. Vì hơn ai hết, họ hiểu di sản, hiểu một ngọn núi, con sông, gửi tình cảm vào đó, biết được lúc nào ngọn núi tỏa sáng theo chiều ánh sáng khác nhau của ngày, của mùa, lúc nào sông vơi đầy để có thể đầu tư thời gian, công sức vào việc chụp được đúng khoảnh khắc cần có để phong cảnh trở nên lộng lẫy. Đó là quá trình lao động nghệ thuật đáng trân trọng.

Phong cảnh thiên nhiên của Việt Nam, một lần nữa được biết đến là nguồn sản sinh nghệ thuật vô tận.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phong-canh-viet-nam-mo-vang-cua-nhiep-anh-post432379.html