Bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Kế hoạch và dự toán tổ chức Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một.

Đây là chương trình thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Phụ nữ Dao Tiền ở Bản Sưng (Hòa Bình) tự tay nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu và may quần áo cho các thành viên trong gia đình.

Phụ nữ Dao Tiền ở Bản Sưng (Hòa Bình) tự tay nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu và may quần áo cho các thành viên trong gia đình.

Chương trình này nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, đề cao vai trò năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay; đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch có hiệu quả trong thời gian tới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu, phải thực hiện đồng bộ giữa việc nghiên cứu, bảo tồn văn hóa nghệ thuật với tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống; thường xuyên tuyên truyền, lồng ghép kế hoạch phát triển văn hóa phi vật thể và du lịch vào các chương trình nghiên cứu, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một.

Trong Kế hoạch, Bộ giao Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Vụ Văn hóa Dân tộc và các đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện hỗ trợ, nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy nghề dệt của dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền), xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình; Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy hát Páo Dung và thêu trang phục truyền thống của dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền) tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Trong đó, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng của nghề dệt tại Hòa Bình, hát Páo Dung và nghề thêu tại Bắc Kạn; đề xuất các giải pháp thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản nêu trên; tổ chức tập huấn, truyền dạy nghề cho các nghệ nhân; chụp ảnh, ghi hình, dựng phim tư liệu về quá trình tổ chức lớp tập huấn, in đĩa DVD phát cho cộng đồng, tuyên truyền tại Bảo tàng và tuyên truyền trên mạng Internet (website Bảo tàng, Youtube, Facebook) nhằm phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-ton-va-phat-huy-van-hoa-phi-vat-the-cac-dan-toc-thieu-so-co-nguy-co-mai-mot-288220.html