Phòng cháy, chữa cháy: Vẫn còn nhiều nỗi lo

Sau những vụ cháy thương tâm thời gian vừa qua, nhiều vấn đề về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tiếp tục được đặt ra.

Vụ cháy xảy ra ở phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, ngày 16/6/2024.

Vụ cháy xảy ra ở phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, ngày 16/6/2024.

Dù đã có nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra, tập huấn kỹ năng nhưng đối với những khu đô thị đặc trưng như Hà Nội, TPHCM - nơi người dân, các cơ sở kinh doanh nằm sâu trong các con ngõ nhỏ, nhiều “chuồng cọp” không có lối thoát hiểm... thì công tác PCCC tại chỗ tiếp tục cần được nâng cao...

Hiểm nguy vẫn rình rập

Theo báo cáo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2024 tình hình cháy nổ trên toàn quốc đã ghi nhận nhiều vụ việc với thiệt hại đáng kể với tổng số vụ cháy là 2.395 vụ (tăng so với cùng kỳ năm 2023 với tổng số vụ cháy là 2.102 vụ), làm chết 39 người, bị thương 25 người, và gây thiệt hại tài sản ước tính khoảng 150 tỷ đồng (tăng khoảng 30 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023).

Chỉ tính trong vài tháng gần đây, số vụ cháy liên quan đến các khu vực dân cư ngày càng có tính chất gia tăng, gây thiệt hại nhiều về người và tài sản. Mới đây, khoảng 12h30 ngày 21/6, bất ngờ xảy ra vụ cháy tại tầng 3 nhà dân ở phố Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy). Thời điểm xảy ra vụ cháy, trong nhà có 5 người. Đám cháy nhanh chóng bao trùm toàn bộ tầng 3 của ngôi nhà 3 tầng, cột khói bốc cao khiến người dân lân cận hoảng loạn. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã kịp thời ứng cứu, rất may mắn không có thương vong về người.

Trước đó, vụ cháy khiến 4 người thiệt mạng tại phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai vào ngày 16/6 cũng khiến nhiều người không khỏi ám ảnh bởi các nạn nhân không thể thoát ra ngoài bởi những lớp cửa sổ vô cùng chắc chắn với 3 lớp: kính cường lực bên ngoài, lớp lưới chống côn trùng và cuối cùng là song sắt kiên cố bên trong.

Vụ cháy này một lần nữa lại cho thấy những khó khăn trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) với những nhà ở kết hợp kinh doanh - một loại hình phức tạp thường xảy ra cháy nổ và để lại hậu quả nặng nề.

Hà Nội đất chật, người đông, để sống được ở thành phố này người dân buộc phải sử dụng nơi ở để kinh doanh kiếm sống nên không tránh khỏi việc nhà chất nhiều đồ đạc dễ khiến đám cháy lan nhanh. Nhưng bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận việc đã từ lâu, người dân cơi nới thêm các “chuồng cọp” - khung kim loại với các mối hàn kiên cố, để có thêm không gian sống lại đang là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người thiệt mạng do không có lối thoát khi xảy ra hỏa hoạn.

Ngoài ra, một yếu tố khác liên quan đến đặc trưng đô thị ở Hà Nội, theo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an TP Hà Nội thì thành phố đang có hơn 1.200 tuyến phố không tiếp cận được bằng xe chữa cháy chuyên dụng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho lực lượng chức năng phải mất rất nhiều thời gian để tiếp cận hiện trường, kéo vòi xịt nước vào bên trong dập lửa.

Chưa kể đến những nguyên nhân khác như chập điện do quá tải cũng dễ gây ra hỏa hoạn. Chẳng hạn như vụ cháy ngày 18/6 tại Bắc Giang, theo Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, kết quả khám nghiệm hiện trường, nguyên nhân gây cháy là do đường dây điện chuyển nguồn cho điều hòa nhiệt độ ở tầng 2 bị quá tải, gây chập cháy ở phòng chứa đồ cạnh cầu thang ở tầng 1. Khi cháy, các thành viên trong gia đình đều đang ngủ nên không phát hiện kịp thời, khói và nhiệt từ tầng 1 bốc lên tầng 2 gây ngạt thở, dẫn đến các nạn nhân tử vong.

Tất cả các lý do trên sẽ tạo thành chuỗi các mối nguy hiểm rình rập nguy cơ cháy nổ trong mỗi gia đình. Chính vì vậy, người dân cần chủ động trang bị cho bản thân và gia đình nhiều biện pháp PCCC để giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại trước khi được lực lượng chức năng ứng cứu.

Rút kinh nghiệm cần thực chất

Nhìn nhận trong thời gian qua, có thể thấy việc rút kinh nghiệm sau mỗi vụ cháy lớn đang ngày càng được nâng cao hơn từ ý thức, tập huấn kỹ năng, thành lập các tổ liên gia PCCC cho người dân có nhiều chuyển biến.

Tuy nhiên sau đó tình trạng cháy lớn gây thiệt hại về người vẫn xảy ra gần đây như vụ việc ở phố Định Công Hạ (Hoàng Mai) thì cần tiếp tục đặt câu hỏi về chất lượng của việc kiểm tra, giám sát, tập huấn kỹ năng đã thiết thực và đầy đủ để người dân ghi nhớ, phản ứng khi có đám cháy hay chưa là điều rất quan trọng.

Trên thực tế, ghi nhận tại các quận như Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm... Cơ quan Công an đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng xử lý khi xảy ra hỏa hoạn cho người dân, có nhiều chuyển biến tích cực trong việc nhận thức và hành động. Song, việc tập huấn này chỉ diễn ra sau khi có những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng.

Vì vậy cần có những phương án tập huấn phù hợp hơn để người dân không “bị quên” và càng không được chủ quan khi nghĩ rằng bản thân đã được thực một lần mà “chơi” với lửa, vì các vụ cháy thường xảy ra bất ngờ vào ban đêm, khi bị động người dân rất dễ xảy ra hoảng loạn, không thể ứng phó.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần có những biện pháp tuyên truyền để người dân cải tạo lại “chuồng cọp” có cửa thoát hiểm; chủ động kiểm soát đường dây tải điện, nhất là trong mùa hè đề phòng chập cháy...

Đặc biệt, cũng cần nhắc thêm về công tác kiểm tra, rà soát sau mỗi vụ cháy. Gần đây nhất sau vụ cháy ở phố Trung Kính, UBND TP Hà Nội đã có Công điện yêu cầu UBND các địa phương chủ động thành lập các tổ công tác để rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn. Theo đó, quận Cầu Giấy đã phát hiện 78 công trình không bảo đảm các điều kiện về PCCC bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.

Sau đợt rà soát này, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, trước đó ngay sau vụ cháy khiến 56 người tử vong ở Khương Đình, TP Hà Nội đã có đợt rà soát rầm rộ nhưng sau cùng vẫn để xảy ra những vụ việc thương tâm cho thấy nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà trọ, chung cư mini, các nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh...

Trong khi đó, nguy cơ xảy ra cháy nổ nhà cho thuê trọ, nhất là nhà ở kết hợp với kinh doanh trong các ngõ sâu là rất cao, nếu xảy ra cháy thì thiệt hại về người quả là không nhỏ.

Theo Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, các cấp chính quyền phải có biện pháp “mạnh tay”. Đó là khi rà soát trên địa bàn mà cảm thấy có nguy cơ cao cháy nổ, đe dọa tính mạng người dân thì phải có yêu cầu lập tức về đảm bảo an toàn cháy nổ. Nếu nhà cửa xây theo kiểu không có lối thoát thì phải cưỡng chế, yêu cầu người dân bỏ ngay các vật cản, phải thiết kế thêm lối thoát.

Cùng với đó, phải đồng bộ các giải pháp ngắn hạn, dài hạn, những biện pháp kỹ thuật, biện pháp mang tính cưỡng bức bắt buộc mới không để xảy ra những vụ cháy thảm khốc như thời gian qua.

Trước tình trạng cháy nổ còn diễn biến phức tạp, ngày 19/6 vừa qua, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Thượng tướng Lương Tam Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình Quốc hội dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Nhiều Đại biểu Quốc hội cũng góp ý cho dự án luật rằng, các giải pháp cần mang tính đồng bộ trong quản lý dân cư và cơ sở hạ tầng, trong đó là việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để người dân, người lao động có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở.

Trước mắt cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các biện pháp và nâng cao cảnh giác, phòng chống cháy nổ. Cùng với đó, chính quyền địa phương, lực lượng chuyên trách PCCC... tăng cường bám sát cơ sở; chú trọng công tác kiểm tra, quản lý xây dựng, PCCC, kinh doanh nhà trọ; xử lý nghiêm, mạnh những hành vi vi phạm quy định về công tác này.

Mặt khác, để có thể phòng ngừa hạn chế thấp nhất rủi ro và thiệt hại do cháy gây ra, cần chú ý lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy sớm. Đây là việc làm rất cần thiết, giúp người dân có thể phát hiện sớm và kịp thời xử lý dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh hoặc ít nhất giúp còn đủ thời gian để tìm các thoát thân.

Đồng thời, không trữ, chứa các chất có nguy cơ cháy, nổ cao trong nhà hoặc diện tích sinh hoạt chung; Bố trí lối thoát nạn thứ hai cho ngôi nhà. Đặc biệt, cần loại trừ nguy cơ sự cố từ hệ thống, thiết bị điện bởi đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy nổ thời gian qua. Chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị PCCC và phương án xử lý, thoát nạn khi xảy ra cháy tại ngôi nhà để kịp thời thoát nạn trong tình huống khẩn cấp.

Nguy cơ cháy nổ vẫn luôn thường trực. Vì vậy, công tác PCCC cần đi vào thực chất hơn nữa, đề cao ý thức, trách nhiệm của cả các cấp, ngành và người dân, để không ai phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an): Bất cứ ai cũng cần có kỹ năng phòng cháy, chữa cháy

Nhìn từ những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, phân tích kỹ thì thấy còn liên quan đến kỹ năng của người dân sống trong những công trình đó. Nếu có kỹ năng tốt, kỹ năng đúng và xử lý tình huống thì hoàn toàn có thể xử lý ngay từ giai đoạn ban đầu. Quan trọng là người dân phải bình tĩnh để đưa ra được phương án thoát nạn an toàn cho bản thân và người thân.

Để giảm thiểu nguy cơ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, mỗi hộ gia đình phải có ít nhất một người được trang bị kiến thức về PCCC. Để làm được điều đó, thứ nhất, người dân cần chấp hành các quy định đầy đủ về an toàn PCCC trong cơ sở, trong mỗi hộ gia đình và đặc biệt là phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, cũng như chủ hộ gia đình.

Thứ hai, chủ hộ gia đình cần nắm được trách nhiệm của mình, trong việc bảo vệ tính mạng của các thành viên trong gia đình và tài sản trong gia đình.

Thứ ba, trong mỗi hộ gia đình, hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất kinh doanh cần có các phương án thoát nạn, được phổ biến tới từng thành viên trong gia đình, để mọi người biết và chủ động thực hiện khi sự cố cháy xảy ra.

Thứ tư, người dân cần thường xuyên kiểm soát hệ thống điện trong gia đình mình. Đặc biệt trong mùa nắng nóng hiện nay, nhu cầu sử dụng điện rất cao, dễ dẫn tới việc quá tải hệ thống điện, gây cháy ra toàn bộ căn hộ nếu như không kiểm soát tốt khâu đảm bảo an toàn.

Thứ năm, mỗi hộ gia đình cần tự trang bị các kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn trong gia đình mình.

Một điểm nữa là trong mỗi gia đình cần xem xét lắp đặt các thiết bị báo cháy để nắm được sự cố xảy ra trong nhà và chủ động được phương án xử lý, tránh việc xảy ra cháy rất lâu thì mới phát hiện ra thì sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương

Thực tế, ở các đô thị Việt Nam, hầu hết mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn, nhất là kinh doanh các mặt hàng dễ cháy. Điều nguy hiểm là hết ngày làm việc, người thuê sẽ về, chủ nhà không kiểm tra bởi không thuộc quyền quản lý của mình nữa. Khi xảy ra cháy ở tầng 1 (tầng cho thuê kinh doanh), lửa sẽ bốc lên, những người sinh sống ở tầng trên gần như không có chỗ thoát thân.

Cho nên, theo tôi, giải pháp cấp bách trước mắt là cần rà soát các mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh, bắt buộc tiêu chí về PCCC. Cùng với đó, cần nâng cao ý thức người dân, đây là giải pháp rất quan trọng. Chúng ta dù có bao nhiêu quy định, hạ tầng dù tốt thế nào nhưng người dân không chấp hành thì cháy vẫn xảy ra. Theo đó, cần bắt buộc có tập huấn cho cả chủ nhà lẫn hộ thuê để kinh doanh về PCCC.

Ngoài ra, cháy có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nếu nguyên nhân là các điều kiện về PCCC không đảm bảo tiêu chuẩn thì chúng ta phải rà soát trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bởi tất cả các tiêu chuẩn về PCCC đều giao cho chính quyền địa phương, từ cấp phép xây dựng thẩm định các điều kiện… Vậy để những cơ sở chưa đủ điều kiện hoạt động thì trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu?

Nhưng điều quan trọng, cùng với quy trách nhiệm, phải có sự xử lý rốt ráo, chứ không phải chỉ chỉ ra do xây dựng sai phép, do chính quyền địa phương còn buông lỏng… rồi thôi thì không có hiệu quả. Nếu địa phương không quyết liệt trong khâu quản lý nhà nước và khâu rà soát thẩm định thì chúng ta chỉ cứ tuyên truyền rồi mọi việc lại như cũ.

NGỌC HÀ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phong-chay-chua-chay-van-con-nhieu-noi-lo-10283901.html