Phòng cháy hiệu quả 'lá phổi xanh' lớn nhất Bình Dương
Rừng phòng hộ núi Cậu thuộc huyện Dầu Tiếng có diện tích lớn nhất trong các khu rừng ở tỉnh Bình Dương với 3.652ha được phân bổ trên địa bàn hai xã Minh Hòa và Định Thành.
Đây là lá phổi xanh điều hòa khí hậu cho các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh; đồng thời chống xói mòn cho lòng hồ Dầu Tiếng, bảo vệ phòng hộ đập Dầu Tiếng chứa trên 1,5 tỷ m³ nước cung cấp nước ngọt tưới tiêu cho cả khu vực Đông Nam Bộ. Với tầm quan trọng đó nên việc bảo vệ, phòng cháy cho rừng núi Cậu là nhiệm vụ luôn được các cấp chính quyền ở Dầu Tiếng đặt lên hàng đầu. Công an huyện Dầu Tiếng đã rất nỗ lực bảo vệ an toàn cho khu rừng trong những năm qua..
Cuối tháng 3/2023, Công an huyện, Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu phối hợp với UBND các xã đã kiểm tra hiện trường thực hiện xử lý thực bì theo phương pháp đốt trước có kiểm soát để giảm vật liệu cháy, đồng thời phát dọn đường băng cản lửa nhằm đảm bảo khoảng cách ngăn cháy lan giữa các khoảnh, tiểu khu. Thượng tá Đinh Viết Toàn, Phó Trưởng Công an huyện Dầu Tiếng cho biết: “Có hai loại đường băng cản lửa là trắng và xanh. Trắng có nghĩa là đường băng được dọn dẹp sạch sẽ, còn xanh là có cây cao và phía dưới không có lớp thực bì. Khi tạo những đường băng này sẽ dễ dàng khoanh vùng đám cháy để tránh cháy lan”.
Công an huyện Dầu Tiếng còn tham mưu cho UBND huyện, chỉ đạo các ban ngành có liên quan khảo sát các vị trí, khu vực để xây dựng hệ thống trạm bơm cao áp, các hồ dự trữ nước chữa cháy, trang bị các máy bơm nước, phương tiện chữa cháy; thiết lập hệ thống thông tin liên lạc phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho 6 tổ làm công tác thường trực ở sườn đông và sườn Tây rừng phòng hộ núi Cậu. “Núi Cậu là rừng triền đồi nên đám cháy không âm ỉ như các khu rừng khác. Tuy nhiên nếu chữa cháy bằng phương tiện xe cơ giới thì chỉ tiếp cận được 200-300m phía bên ngoài chứ không thể vào sâu trong khu rừng, cho nên, chữa cháy rừng bằng phương pháp thủ công (chà dập lửa và nước) vẫn phải áp dụng. Các cơ quan chức năng đã xây dựng 5 bể chứa nước với mỗi bể 25m3 bố trí rải rác trên các triền đồi. Trong tương lai, cần phải có nhiều bể chứa nước như vậy để đủ lượng nước cung cấp khi phát sinh cháy” - Thượng tá Đinh Viết Toàn cho biết.
Giữa rừng núi Cậu có một số con đường xẻ ngang, người dân thường xuyên qua lại để giảm cự ly di chuyển. Do rừng nằm cạnh hồ nên một số người dân thường đến câu cá rồi nhóm lửa nấu ăn ngay ở bìa rừng nên tiềm ẩn nguy cơ cháy. Do vậy mà cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân, Ban quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu còn hợp đồng với các hộ dân tại địa phương tham gia bảo vệ rừng, nhất là vào mùa khô. Những người này mang theo bình xịt nước và thay phiên tuần tra 24/24h quanh khu rừng để kịp thời phát hiện, dập tắt những đốm lửa nhỏ và cấp báo đến Ban quản lý khi phát hiện đám cháy lớn để huy động lực lượng chữa cháy tại chỗ.
Ông Nguyễn Việt Hùng (SN 1964, ngụ ấp Tha La, xã Định Thành) tham gia bảo vệ rừng từ khi còn trai trẻ. Ông thông thạo địa hình và biết mặt từng người thường xuyên lui tới khu rừng này. Họ đến và rời đi ông đều theo sát để có thể kịp thời dập tắt một tàn thuốc, một đám tro tàn âm ỉ mà những người dân vô ý thức để lại. “Họ bắt cá rồi đốt lửa nướng ngay ở bìa rừng, mình đến nhắc nhở nhưng không phải ai cũng nghe, có người còn muốn gây sự với mình. Nên nhiều khi mình phải ở đó để chờ họ đi rồi kiểm tra và dập tắt hoàn toàn đám tro tàn” - Ông Hùng kể.
Ông Nguyễn Hải Ngọc, 43 tuổi, cũng nhiều năm tham gia bảo vệ khu rừng. Ông Ngọc làm nghề hàn cửa sắt nhưng chỉ làm vào mùa mưa. “Bảo vệ rừng cũng là một công việc để kiếm tiền sinh sống nhưng trên hết đó là “nghề” mà mình yêu thích vì được bảo vệ cho chính môi trường sống của mình và những dân địa phương. Do vậy mà mùa khô năm nào cũng vậy, tôi đều bỏ công việc làm cửa sắt để tham gia bảo vệ rừng. Đêm nào không được ở cạnh rừng là cảm thấy như thiếu thiếu cái gì đó không diễn tả được” - ông Ngọc trải lòng.
Mùa khô ở Bình Dương bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau. Trong thời gian này rừng phòng hộ núi Cậu tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao nên ngoài các cán bộ thường trực của của Ban quản lý, đơn vị này còn hơp đồng thêm với nhiều người dân địa phương tham gia bảo vệ rừng từ nguồn kinh phí phòng cháy, chữa cháy. Cơ quan chức năng cũng quan tâm đầu tư mở rộng các tuyến đường chính, đường nhánh trên núi Cậu để phục vụ cho việc chữa cháy. Nhiều năm trước, rừng núi Cậu bị người dân khai thác gỗ đến kiệt quệ. Đến năm 1986, hồ thủy lợi Dầu Tiếng được xây dựng thì rừng núi Cậu được quản lý nghiêm, từ đó rừng đã hồi sinh, nhiều chủng loại gỗ quý được tái sinh như trắc, dầu, gõ đỏ…
Để công tác bảo vệ rừng hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Thượng tá Đinh Viết Toàn cho biết, Công an huyện sẽ phối hợp với các ban ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống chữa cháy hiện đại phục vụ công tác chữa cháy; đầu tư xây dựng thêm các bể nước chữa cháy; lắp đặt hệ thống camera giám sát tình hình cháy nổ, hệ thống cảnh báo sớm và giám sát khi có cháy xảy ra…