Phòng chống bạo lực tình dục ở Việt Nam: Sự im lặng bão giông
Việc phòng, chống bạo lực tình dục ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều khoảng trống. Và một thực tế đáng buồn là những khoảng trống đó tồn tại ngay trong chính lĩnh vực pháp luật, khiến những người thực thi pháp luật để phòng, chống bạo lực tình dục gặp nhiều khó khăn khi bảo vệ nạn nhân.
Câu chuyện một người phụ nữ tự cứu mình
Ngày 4/12/2019, tại Hội nghị quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội lần thứ 4, chị Nguyễn Thị Oanh – người phụ nữ 50 tuổi đến từ huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã được Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVnet) vinh danh là Hiệp sỹ Công lý vì những đóng góp tích cực trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em năm 2018 - 2019.
Chia vui với chị, nhưng nhiều người không biết rằng, để tự tin, rạng rỡ nở nụ cười bước lên bục nhận giải thưởng, chị Oanh đã trải qua gần 20 năm bị bạo lực gia đình, bạo lực tình dục bởi chính những người thân của mình. Bi kịch bạo hành của chị bắt đầu từ năm 1991, khi chị vừa sinh con trai đầu lòng được mấy hôm.
“Từ khóa” trong suốt quãng đời gần 20 chục năm đó của chị Oanh chỉ là 2 từ “im lặng” và “đáp ứng”. “Im lặng” là khi bất kể thời gian nào, bà mẹ chồng cũng có thể hất luôn nồi cơm chị đang nấu vào người chị, rồi vớ lấy bất kỳ thứ gậy gộc nào tiện tay gần đó đập túi bụi lên người chị, kèm theo chửi bới. Mẹ đánh vợ, nhưng chồng chị ngồi im, không nói cũng không can ngăn.
Về phần mình, chị không cãi lại, cũng không chạy đi, chỉ im lặng lấy tay lên che đỡ mặt. “Một ngày vài trận như thế” - chị kể - “Bà ghét mình, cho rằng vì mình mà chồng không quan tâm đến mẹ nên ngày nào cũng chửi bới, đánh đập”.
Lo ngại bỏ lọt tội phạm
Nghị quyết 06 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145,146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi có quy định các trường hợp loại trừ xử lý hình sự như: Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non...); người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: Bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân; sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn, người bị đuối nước...).
Ở góc độ luật sư, trao đổi về các trường hợp loại trừ này, Luật sư Lê Ngọc Luân bày tỏ lo ngại có thể bỏ lọt tội phạm, gây oan sai vì trên thực tế đã có nhiều trường hợp xâm hại, bạo lực tình dục nảy sinh ở các tình huống cha mẹ, giáo viên chăm sóc trẻ, bác sĩ khám bệnh cho trẻ…
Những vết bầm giập, thâm tím trên cơ thể lâu ngày tích tụ, chị cứ để mặc như vậy, không ngó ngàng cũng chẳng thèm bôi thuốc cho chóng lành. Một thời gian sau, khi mẹ chồng đã chán việc đánh con dâu thì đến lượt chồng quay ra bạo lực lại với vợ để mẹ mình thỏa mãn. Đầu tiên anh chửi, sau đó anh tát nhiều lần vào mặt chị. Không thỏa mãn, anh lấy củi đánh mạnh vào nhiều chỗ trên cơ thể chị.
Chồng chị có thể đòi hỏi vợ quan hệ tình dục bất kể thời gian nào trong ngày: sáng, trưa, chiều, tối... hay trước mặt các con.
“Có lần tôi quá mệt vì công việc và vừa chịu đòn xong nên đã không đáp ứng, chồng tôi đã đánh không nương tay” – chị nghẹn ngào – “Ngày đấy tôi không nghĩ đó là bạo lực tình dục, chỉ nghĩ đó là nghĩa vụ một người vợ phải đáp ứng nhu cầu của chồng nên cũng không dám nói với ai”. Có hôm chị ốm mệt dậy không được nhưng vẫn phải đáp ứng. Nhiều hôm, chị phải dậy sớm từ lúc trời tờ mờ 3-4 giờ sáng, xuống bếp ngồi để tránh sự va chạm vợ chồng.
Cũng như nhiều người phụ nữ dân tộc thiểu số khác, suốt gần 20 chục năm, chị Oanh không có tiếng nói trong gia đình, chịu đựng bạo lực nhưng cũng không thể ly hôn được, bởi quan niệm “chết thành ma nhà chồng chứ không được quay về nhà bố mẹ đẻ”.
Âm thầm chịu đựng mãi, chị tìm cách tự tử nhưng không thành, bỏ trốn hai lần nhưng cũng không được. Sau nhiều năm chịu đựng, chị bị trầm cảm. “Mình chỉ quanh quẩn trong nhà, xó bếp, đi làm nương thì bịt kín mặt, không muốn gặp hay tiếp xúc với ai, nhìn ai cũng muốn tránh bởi xấu hổ vì nghĩ phải chăng do kém cỏi nên bị người nhà đối xử như thế” – chị cho biết.
Cuộc đời chị thật sự thay đổi sau cái lần chị phải nằm viện 2 tháng vì chấn thương sọ não khi bị chồng dùng cây củi to đập thẳng đầu. “Sau đó, năm 2010, tôi biết đến chương trình hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực của Hội Phụ nữ nên đã giấu gia đình đăng ký đi học lớp kỹ năng phòng tránh. Mỗi ngày đạp xe 10 km từ nhà đến trung tâm để học.
Đi học nhưng phải nói dối là đi chợ. Các tài liệu được học, tôi để ở nơi dễ thấy. Chồng và mẹ chồng tôi đọc được, dần dần nhận thức hành vi bạo lực là sai trái nên đã thay đổi thái độ. Tôi đàng hoàng đi học không phải giấu giếm nữa” – chị cho biết.
Hoàn thành khóa học, chị Oanh xin về ứng cử vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xóm, xã. Chị thành lập nhóm gia đình hạnh phúc, tư vấn, giúp đỡ cho những chị em có hoàn cảnh giống mình. Có trường hợp nào bị bạo hành, họ gọi điện cho chị, chị liên hệ tổ hòa giải của xóm để giải quyết, can ngăn. Nhiều năm, tình trạng bạo hành giảm thiểu đáng kể trên chính quê hương chị.
Bất cập luật pháp
Trong số những nạn nhân bị bạo lực tình dục ở Việt Nam, số người đứng lên tự cứu mình như chị Oanh không phải là nhiều, nếu không muốn nói là rất ít. Thống kê của TANDTC năm 2019 thì từ năm 2014, trung bình mỗi năm tòa thụ lý hơn 1.600 vụ bạo lực tình dục. Trong số những người bị bạo lực được phỏng vấn, chỉ 1,9% nói rằng họ đã tìm kiếm hỗ trợ từ cơ quan chức năng.
Khảo sát về nhận thức và trải nghiệm liên quan đến bạo lực tình dục do Liên minh Hỗ trợ phụ nữ trẻ và trẻ vị thành niên thực hiện tại 5 tỉnh, thành (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh) cho thấy, 85% người được khảo sát đã từng trải nghiệm ít nhất 1 hình thức bạo lực tình dục, 51% số đó chưa bao giờ chia sẻ với ai về việc mình bị bạo lực.
Thực trạng này có nguyên nhân từ đâu? Trong khuôn khổ của Hội nghị quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội, bàn về khoảng trống trong văn bản và thực thi pháp luật Việt Nam về bạo lực tình dục, nhiều quan điểm đến từ các chuyên gia, luật sư… đã phần nào trả lời được câu hỏi này. Và qua đó có thể thấy, đã và đang tồn tại một thực tế đáng buồn là những khoảng trống đó tồn tại ngay trong chính lĩnh vực pháp luật.
Trung tá Khổng Ngọc Oanh – Cục C45 (Bộ Công an) cho biết, cái khó của việc xử lý tội phạm bạo lực tình dục là do đây là vấn đề nhạy cảm nên nhiều người không dám lên tiếng, tố cáo hành vi bạo lực hoặc xâm hại. Đã vậy, luật pháp hiện nay lại có xu hướng trọng chứng hơn trọng cung, trong khi các hành vi bạo lực tình dục, đặc biệt là bạo lực tình dục trong gia đình giữa vợ - chồng rất khó để có chứng cứ rõ ràng.
“Bên cạnh đó, văn hóa, tập quán vùng miền cũng có tác động lớn đến thực trạng xâm hại tình dục. Đó chính là tập tục bắt vợ, tảo hôn ở đồng bào dân tộc thiểu số. Đã có những vụ án xảy ra khi bé gái bị bắt vợ lúc 14 tuổi và trong thời gian ở nhà chồng đã bị bố chồng xâm hại tình dục. Thường thì những vụ này rất khó phát hiện để xử lý vì nạn nhân không dám tìm tới chính quyền, cơ quan công an để tố cáo, còn đội ngũ cán bộ xã hội thì không phải lúc nào cũng tiếp cận được ” – ông Oanh cho biết.
Cần quan tâm đến tổn hại về tâm lý
Từ góc độ luật sư thường tiếp xúc với các vụ án về bạo lực tình dục, Luật sư Nguyễn Văn Tú – Công ty luật Fanci nhận xét, trong quá trình tố tụng, cơ quan tố tụng thường quan tâm đến hậu quả thực thể mà nạn nhân phải gánh chịu như nạn nhân có mang thai hay bị rách màng trinh hay không mà bỏ qua những tổn hại về tâm lý, tinh thần.
“Có những nạn nhân nhiều đêm thức trắng dẫn đến suy nhược cơ thể trầm trọng và có hành vi lệch lạc trong sinh hoạt để đảm bảo sự sống còn. Theo tôi, đó là tổn hại lớn nhất của nạn nhân, vì thế trong các tình tiết định khung hình phạt cần quan tâm đến những tổn hại về tâm lý.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng cần quan tâm đến độ tuổi và thực trạng thể chất như tình trạng khuyết tật của nạn nhân... để đánh giá đúng mức độ vi phạm. Ngoài ra, cũng cần có phòng điều tra thân thiện, phòng xét xử thân thiện đối với các vụ việc bạo lực tình dục” – Luật sư Tú đề xuất.
Cùng quan điểm, Luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn Luật sư TP HCM), là luật sư bảo vệ nạn nhân trong vụ dâm ô đối với 2 bé gái tại chung cư Lakeside, phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu cho biết, có những vụ xâm hại tình dục lời khai của chính nạn nhân không được xem xét vì cho rằng tuổi nạn nhân quá nhỏ, lời khai không chính xác.
“Khi bảo vệ nạn nhân, luật sư thu thập chứng cứ thì bị quy chụp là xúi giục gia đình, kích động nạn nhân đi kiện. Tôi thấy cần phải có sự thay đổi hơn nữa về tư duy để bảo vệ nạn nhân bị bạo lực tình dục” – Luật sư Luân cho biết.
Quan tâm đến những vụ việc bạo lực tình dục, quấy rối tình dục xảy ra với người trên 18 tuổi, Luật sư Lê Thị Ngân Giang đặt câu hỏi đến bao giờ hành vi quấy rối tình dục mới được luật hóa và có được những định nghĩa chính xác để xác định.
“Theo tôi, đưa hình phạt về quấy rối tình dục vào nhóm vi phạm về trật tự công cộng như hiện nay với mức xử phạt vi phạm hành chính nhẹ nhàng là rất sai lầm vì đây rõ ràng là hành vi xâm hại nhân phẩm cần phải được bồi thường”, Luật sư Ngân Giang nêu quan điểm.
Bà Elisa Fernandez - Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN women) tại Việt Nam: “Bạo lực tình dục là vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng và quyền con người, gây hậu quả trực tiếp và lâu dài đối với thể chất, tinh thần và sức khỏe sinh sản của phụ nữ và trẻ em gái.
Trong những trường hợp xấu nhất, bạo lực thậm chí còn cướp đi mạng sống của nạn nhân. Cho dù bạo lực tình dục xảy ra trong mối quan hệ riêng tư, gia đình hoặc cộng đồng thì đều vi phạm quyền và gây tổn thương sâu sắc cho nạn nhân, do đó, cần thiết phải xây dựng hệ thống dịch vụ có khả năng tiếp cận tốt hơn với nạn nhân để không có nạn nhân nào bị bỏ rơi, lãng quên hoặc bị chối từ”.
Bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội: “Phần lớn nạn nhân bạo lực tình dục đều im lặng. Lý do là họ sợ kỳ thị, đổ vỡ hôn nhân, sợ bị trả thù... Thực tế, mặc dù cưỡng ép tình dục giữa vợ và chồng là bất hợp pháp nhưng đa số các vụ việc đều bị bỏ qua và không được xử lý, bởi nhiều cơ quan chức năng không xem vợ là nạn nhân”.
TS. Lê Mai Anh – Khoa Đào tạo luật sư – Học viện Tư pháp: “ Bạo lực tình dục cần được nhận diện là bất kỳ hành vi, hành động cưỡng ép quan hệ tình dục ngoài ý muốn nào, ngay cả trong quan hệ vợ chồng”.
Bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI): “Một khoảng trống lớn đang tồn tại là các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực tình dục vẫn còn thiếu và yếu. Còn nhiều nạn nhân chưa biết liên hệ với ai khi bị xâm hại, chưa được hỗ trợ về pháp lý và y tế...
Mặt khác, nạn nhân còn sợ khi nói ra liệu có được tin không, có bị đuổi ra khỏi nhà, bị đánh đập tiếp không? Họ không biết đi đâu để tìm công lý cho mình. Tôi hi vọng các nhóm dễ bị tổn thương cùng làm việc với nhau, nâng cao nhận thức và cùng đưa ra những can thiệp, trước khi có những dịch vụ mang tính chuyên nghiệp hơn cả về xã hội và pháp luật”.
TS.Đỗ Thị Thu Trang – Bộ môn Tâm lý – Học viện Cảnh sát nhân dân: “Phần lớn nạn nhân bị bạo lực gia đình, bạo lực tình dục có triệu chứng trầm cảm nặng. Ở nạn nhân xuất hiện tâm trạng buồn chán, trì trệ, chán nản, mất hứng thú với công việc, không có cảm xúc tích cực, không muốn giao tiếp với người khác”.