Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em: Không thể đổ lỗi cho thể chế, pháp luật

Hôm qua (3/1), Đoàn giám sát Quốc hội phối hợp Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong trong gia đình'.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, sáu tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 5.000 trẻ em bị xâm hại (Hình: phunuvietnam.vn)

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, sáu tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 5.000 trẻ em bị xâm hại (Hình: phunuvietnam.vn)

Nguyên nhân chính là suy thoái đạo đức, lối sống

Theo tổng hợp của TAND Tối cao, trong 10 năm (2008-2018), Tòa án các cấp đã giải quyết cho ly hôn trên 1,3 triệu vụ, trong đó có hơn 1 triệu vụ ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn).

Các vụ bạo lực gia đình tuy có xu hướng giảm dần số vụ nhưng ngày càng có nhiều vụ bạo lực nghiêm trọng như: Vụ anh trai truy sát gia đình em làm bốn người chết ở Hà Nội; chồng sát hại vợ và ba người khác ở Thái Nguyên xảy ra mới đây…

Thống kê cho thấy, tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt bạo lực trong gia đình vẫn ở mức cao. Năm 2014 có 68,4% trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong gia đình trong vòng một tháng, trong đó hình thức xử phạt thể xác nghiêm trọng tuy không phổ biến nhưng cũng có 2,1% trẻ từng bị bạo lực, xâm hại.

Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em trong chính gia đình, nơi được coi là an toàn nhất với trẻ vẫn còn ở mức cao. Đối tượng trẻ em bị xâm hại rất đa dạng, tất cả các trẻ sống trong gia đình đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của xâm hại, không phân biệt dân tộc, học vấn, điều kiện kinh tế, lứa tuổi, giới tính, đặc điểm cá nhân. Hành vi bạo lực xâm hại biểu hiện dưới nhiều hình thức mức độ, từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng nguyên nhân chính là có sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số thành viên trong gia đình. Một bộ phận các gia đình tập trung làm ăn kinh tế quá mức dẫn đến tình trạng sao nhãng, không quan tâm, chăm sóc, giáo dục trẻ; mà giao phó cho nhà trường. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống gia đình…

Công tác tuyên truyền chưa sát thực tiễn?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, cho biết: Trong sáu tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 5.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó số trẻ bị xâm hại tình dục chiếm trên 80%. Thủ phạm vẫn đa số là người thân quen, hàng xóm.

Các vụ thủ phạm là người ruột thịt gây ra không nhiều nhưng thực sự đáng báo động cho thấy sự xuống cấp về đạo đức xã hội, về ảnh hưởng của phim, ảnh đồi trụy, chất gây nghiện. Nạn nhân bị xâm hại tình dục phần lớn là trẻ em gái, gần đây xuất hiện xâm hại tình dục trẻ em trai.

Cũng theo bà Hòa, nguyên nhân là do sự hiểu biết về pháp luật, về xâm hại trẻ em, những kỹ năng bảo vệ trẻ em của các bậc cha mẹ, tự bảo vệ của trẻ còn rất thiếu.

Trong thực tế, một bộ phận gia đình chưa nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm quan trọng của gia đình. Cha mẹ lo làm ăn kiếm tiền nuôi con ăn học nên thường chỉ quan tâm đến kết quả học tập, ít dành thời gian trò chuyện, lắng nghe con, hướng dẫn con về kỹ năng sống, thậm chí không ít gia đình lơ là, mất cảnh giác. Khi con bị xâm hại tình dục thì nhiều gia đình, bản thân trẻ có tâm lý e ngại, xấu hổ, sợ ảnh hưởng đến tương lai nên không tố cáo, giữ kín sự việc, chuyển nơi ở.

“Đau xót hơn là những vụ các cháu bị xâm hại hởi những người thân ruột thịt dù được người mẹ, bà phát hiện nhưng đã không kịp thời ngăn chặn dẫn đến tình trạng các cháu bị xâm hại nhiều lần”, bà Hòa nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, hiện công tác tuyên truyền chưa sát thực tiễn, chưa có hiệu quả; dù trên phạm vi cả nước, có nhiều cuộc tuyên truyền, hình thức tuyên truyền, được triển khai.

Đưa ra dẫn chứng đi đến tỉnh nào vào trường học hỏi các em hiểu như thế nào về xâm hại trẻ em, cơ bản các em chỉ hiểu xâm hại trẻ em là xâm hại tình dục trẻ em, bà Thủy cho rằng, điều đó cho thấy việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức kỹ năng cho các em chưa đạt.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, cần đánh giá đúng mức độ thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình và đánh giá đúng đặc điểm của những gia đình xảy ra tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm có biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em phù hợp với thực tiễn. “Hiện pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em và phòng chống bạo lực gia đình tương đối tốt, do đó không thể đổ lỗi cho thể chế, pháp luật mà cần xem lại khâu tổ chức thực hiện”, bà Nga nói.

Phạm Diệu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/phong-chong-bao-luc-xam-hai-tre-em-khong-the-do-loi-cho-the-che-phap-luat-488379.html