Phòng chống bắt cóc trẻ em từ tình huống giả định ở trường học
Những vụ bắt cóc trẻ xảy ra thời gian qua khiến dư luận lo lắng. Tại các trường học, việc đảm bảo an toàn cho học sinh luôn được đặt lên hàng đầu.
Học kỹ năng từ tình huống giả định
Cô Nguyễn Thị Hân Hạnh - Hiệu phó Trường Mầm non Ban Mai (Vĩnh Phúc) cho biết: “Nội dung phòng chống bắt cóc trẻ em luôn được nhà trường tổ chức trong các buổi tập huấn cho giáo viên.
Với học sinh, các cô hướng dẫn trong các tiết học kỹ năng để học sinh không nhận quà, không đi theo người lạ, nhớ thông tin về bố mẹ và cách xử lý khi bị bắt cóc.
Tại các tiết học này, giáo viên sẽ mặc kín để học sinh không nhận ra sau đó đưa bánh kẹo “dụ dỗ” các em đi siêu thị, công viên. Với học sinh lớp lớn, các em nghe lời cô giáo dặn nên cảnh giác hơn không nhận quà, không đi theo.
Tâm lý các em nhỏ hơn thì vừa thấy “người lạ” đã khóc thét lên, có em kiên quyết không theo và có em thì gật đầu đồng ý... Vì vậy, các tiết học về phòng chống bắt cóc luôn được các cô thường xuyên chia sẻ”.
Với Trường Mầm non Thành Công (Hà Nội), để phòng chống bắt cóc trẻ em, trường có quy định đưa đón trẻ. Theo đó, 7 giờ 16 phút các cô sẽ đón trẻ và 16 - 17 giờ, trẻ được trả tại lớp để bảo đảm an toàn cho học sinh, đồng thời giáo viên tiện trao đổi tình hình với phụ huynh.
Trường có khu vực để xe riêng cho phụ huynh trong sân trường, ngăn đường vào đón học sinh. Trường cũng lắp camera ở hành lang, sân trường để đảm bảo công tác an ninh.
Từ đầu năm, bố mẹ phải đăng ký họ tên người đến đón, số điện thoại liên hệ. Nếu có người lạ đón trẻ mà bố mẹ không dặn, các cô không trả trẻ mà phải liên hệ với gia đình xác nhận. Thực tế cũng có nhiều trường hợp như vậy vì bố mẹ không kịp về đón con mà phải nhờ phụ huynh khác đón hoặc hàng xóm.
Tại Trường Mầm non A (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ quy tắc 4 : 4.
Bốn “LUÔN”: Luôn cảnh giác cao với người lạ. Nói với trẻ rằng khi một người lạ bắt được con, ngay lập tức con hãy cắn, đá, cào, cấu và cố gắng thu hút sự chú ý bằng mọi giá, ngay cả khi tình huống đó vô cùng đáng sợ.
Ngoài ra, bố mẹ nên dạy con hét thật to: “Cháu không biết chú ta/cô ta. Chú ta/cô ta đang muốn bắt cháu đi”; Luôn dùng mật khẩu khi có người khác đón ở trường: Nếu ai đó nói với trẻ: “Đi theo cô/chú. Cô/chú sẽ dẫn cháu đến chỗ bố mẹ”, điều đầu tiên mà trẻ nên làm là hỏi lại người lạ: “Tên bố mẹ cháu là gì? Mật khẩu gia đình cháu là gì?”; luôn nhớ địa chỉ nhà và số điện thoại của bố mẹ: Dạy con nhớ số điện thoại của người thân, đặc biệt là số của bố mẹ và số điện thoại nhà, còn cần dạy trẻ cách gọi điện thoại; luôn theo sát bố mẹ ở chỗ đông người.
Bốn “KHÔNG”, gồm: Không tiếp xúc với người lạ; không nhận đồ/nhận quà của người lạ; không được đi theo người lạ; không chuyển đồ giúp người lạ.
Luôn đề cao cảnh giác
Sau nhiều vụ bắt cóc nguy hiểm, nhiều nhà trường đã tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ. Đồng thời, phối hợp với cha mẹ học sinh để cùng nâng cao cảnh giác.
Cô Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Phúc, Hà Nội chia sẻ: “Nhà trường luôn triển khai dạy lồng ghép phòng tránh bắt cóc trẻ em trong các hoạt động dưới cờ đầu tuần cũng như trong các tiết học.
Ngoài ra, từng tuần nhà trường sẽ có từng chủ đề trao đổi với học sinh như về tai nạn thương tích, bạo lực học đường, an toàn giao thông, pháp luật Việt Nam, an ninh mạng. Tại mỗi lớp, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên phối hợp với phụ huynh, nhắc nhở trên nhóm lớp để phụ huynh nắm bắt tình hình, nâng cao cảnh giác”.
Cô Nga cho biết thêm, trường có những quy định nghiêm ngặt. Cụ thể như giáo viên chủ nhiệm phải kết hợp với giáo viên bộ môn nắm rõ số lượng học sinh vắng mặt để báo phụ huynh. Chuyển giao giữa các tiết đều phải bàn giao sĩ số. Khách đến trường phải xuất trình căn cước công dân, chờ xác nhận trước khi vào trường.
Trong trường hợp phụ huynh đón giữa giờ thì phải báo với giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên sẽ cung cấp thông tin cho tổ bảo vệ về tên học sinh, ngày tháng năm sinh, lớp, lý do về sớm, ai đón, nếu học sinh gặp vấn đề sức khỏe thì phải có xác nhận của nhân viên y tế.
Cô Nguyễn Thu Ngân - Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội) chia sẻ, trẻ cần được dạy về các tình huống có thể xảy ra. Luôn dành câu hỏi xác nhận với người lạ như “tên bố mẹ cháu là gì; nhà cháu ở đâu; bố mẹ cháu làm nghề gì; số điện thoại của bố mẹ cháu...”.
Nếu có sự lúng túng hoặc khả nghi, hãy lập tức tránh xa, chạy nhanh tới chỗ đông người để nhờ trợ giúp. Đồng thời, cha mẹ nên dạy con nhớ số điện thoại của người thân, đặc biệt là số của bố mẹ và số điện thoại nhà.
Hơn nữa, thầy, cô giáo và cha mẹ học sinh cũng cần đặc biệt lưu ý các con không nên tiếp xúc với người lạ. Đây cũng là kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc đầu tiên và quan trọng nhất, mục đích là ngăn sự tiếp xúc giữa trẻ và kẻ bắt cóc.
Bên cạnh đó, kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc cơ bản mà mọi đứa trẻ đều phải biết là không cho người lạ vào nhà. Những lúc người lớn đi vắng, nhiều tên bắt cóc mạo nhận là người quen của gia đình, thợ sửa đồ, nhân viên thu tiền dịch vụ… để dụ dỗ trẻ mở cửa.
Do đó, bạn cần dặn trẻ nếu ở nhà một mình tuyệt đối không được đến gần, tiếp chuyện hay mở cửa cho người lạ. Khi có ai đó ở ngoài gọi vào, hãy đứng ở khoảng cách xa và nói vọng ra.
“Cha mẹ cũng nên dạy con tuyệt đối không nhận quà từ người lạ, nói với trẻ rằng bất kỳ món quà nào được người lạ trao khi không có bố mẹ, người thân bên cạnh thì đều vì mục đích xấu”, cô Ngân nhấn mạnh.
Ngoài ra, để trẻ dễ hiểu, dễ nghe hơn, người lớn nên cùng con xem các video phóng sự, clip mô phỏng, hình ảnh và thông tin về những vụ bắt cóc trẻ em. Sau đó, cha mẹ hãy nói về những nguy cơ tương tự có thể xảy ra với bất cứ trẻ em nào. Điều này sẽ giúp trẻ dần hình thành ý thức phòng vệ cho mình trong những tình huống nguy hiểm.
Tuy nhiên, cần giảng giải một cách khéo léo để con không bị hoảng sợ và lo lắng. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dạy trẻ kỹ năng khi bị lạc giúp trẻ giữ được an toàn, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.