Phòng, chống bệnh cúm gia cầm: Kiểm soát chặt, không để bùng phát
Trong lúc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều ổ bệnh cúm gia cầm tại 5 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm và ở người, với phương châm 'không để dịch chồng dịch…', ngành Nông nghiệp xác định: Đây là nhiệm vụ hàng đầu, triển khai mọi biện pháp từ tiêu hủy gia cầm ốm, chết, tổng vệ sinh tiêu độc môi trường đến tổ chức tiêm phòng vắc xin... không để dịch bệnh bùng phát.
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng là một trong những biện pháp ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan. Ảnh: Giang Sơn
Hiện hữu nguy cơ bùng phát dịch
Trong khi dịch bệnh do Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì các ổ dịch bệnh cúm gia cầm đã xuất hiện ở Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Nội. Tại Hà Nội, từ ngày 3-2 đã phát sinh ổ bệnh ở 4 hộ chăn nuôi tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), tổng số gia cầm chết và phải tiêu hủy là 6.807 con. Ông Ngô Văn Khải ở xã Phú Nghĩa, hiện có đàn gà 300 con, lo lắng, gia cầm của các hộ chăn nuôi lân cận đang bị cúm, phải tiêu hủy toàn bộ, nếu bệnh dịch không được kiểm soát thì nguy cơ lây nhiễm là rất lớn.
Thông tin về bệnh cúm gia cầm cũng đã khiến nhiều người chăn nuôi e ngại. Theo ông Nguyễn Tiến Hậu, xã Cao Dương (huyện Thanh Oai), nghe tin xuất hiện bệnh cúm gia cầm, gia đình ông đã bán toàn bộ đàn vịt hơn 200 con với giá 18.000 đồng/kg - 20.000 đồng/kg. "Thời tiết mưa ẩm, nguy cơ gia cầm lây nhiễm bệnh là rất lớn”, ông Nguyễn Tiến Hậu nói.
Về nguyên nhân phát sinh bệnh cúm gia cầm, bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Phú Nghĩa cho biết, thôn Phú Vinh đã từng xảy ra ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 cuối năm 2018. Do nhiều ao, hồ, kênh, mương thông nhau nên mầm bệnh vẫn còn trong môi trường. Trong khi, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, ở hộ gia đình, việc vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho vật nuôi chưa được quan tâm nên dẫn tới phát sinh bệnh cúm trên gia cầm.
Chia sẻ về nguy cơ bùng phát bệnh dịch cúm gia cầm, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội thông tin, tổng đàn gia cầm của Hà Nội khoảng 31 triệu con, trong đó, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ khoảng 60%. Thời tiết diễn biến phức tạp cùng với môi trường bị ô nhiễm làm giảm sức đề kháng của vật nuôi và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh. Trong khi đó, nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học cũng như việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm còn thấp. Mặt khác, lượng gia cầm từ các địa phương vận chuyển vào thành phố khá lớn và rất khó kiểm soát. Đáng ngại, một số chủng cúm gia cầm có thể lây nhiễm sang người.
Còn theo ông Phạm Văn Tuấn - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai, hiện nay vẫn còn tình trạng các điểm kinh doanh gia cầm sống không đúng nơi quy định, giết mổ gia cầm ngay tại chợ dân sinh, trong khi công tác khử trùng tiêu độc môi trường tại chợ chưa được tiến hành thường xuyên nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. "Lực lượng cán bộ thú y tại các xã, thị trấn rất mỏng khó có thể vừa rà soát đàn gia cầm nhập nuôi mới ở từng hộ dân, kiểm soát công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm, vừa ngăn chặn việc giết mổ không đúng quy định", ông Phạm Văn Tuấn bày tỏ.
Phun thuốc khử trùng tại chốt kiểm dịch động vật liên ngành số 3 Ba La (Hà Đông). Ảnh: Bá Hoạt
Giám sát dịch bệnh tới từng thôn, xóm
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 167/ TTg-NN về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm và ở người. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phòng, chống bệnh cúm gia cầm, ngăn chặn không cho dịch cúm gia cầm vào Việt Nam... Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành công điện khẩn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Tại Hà Nội, ngày 13-2, UBND thành phố ban hành Công văn số 458/UBND-KT chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tổ chức tốt việc giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh trên gia cầm… Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, rà soát, bổ sung đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời phòng, chống bệnh cúm gia cầm; lập các chốt kiểm dịch động vật ở cửa ngõ ra, vào Thủ đô để kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm trái phép từ các tỉnh về Hà Nội tiêu thụ...
Tại xã Phú Nghĩa, nơi phát sinh bệnh cúm gia cầm A/H5N6, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Bá Vệ cho biết, ngoài số gia cầm phải tiêu hủy, toàn xã còn hơn 294.000 gia cầm (riêng thôn Phú Vinh là 71.600 con). Hiện, công tác bao vây dập dịch, không để lây lan diện rộng đã được triển khai. Những trang trại chăn nuôi lớn đều tự tiêm phòng cho gia cầm. Với hộ chăn nuôi nhỏ, xã tổ chức tiêm phòng cho gia cầm, với tổng cộng hơn 58.000 liều vắc xin. Chốt kiểm dịch cũng được lập để ngăn chặn vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm ra khỏi thôn Phú Vinh.
Không chỉ xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ mà các địa phương khác cũng đã triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch cúm gia cầm. Ông Dương Xuân Tĩnh, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín - địa phương có tổng đàn gia cầm lớn thông tin, huyện đã phun thuốc tiêu độc, khử trùng ở những nơi có nguy cơ cao. Riêng với chợ gia cầm Hà Vỹ, chốt kiểm dịch động vật liên ngành trực 24/24 giờ kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc...
Trong bối cảnh dịch bệnh do Covid-19 đang diễn biến phức tạp và với điều kiện thời tiết hiện nay, việc phòng, chống dịch cúm gia cầm có ý nghĩa quan trọng. Sự vào cuộc của các cấp, ngành đã thấy rõ, vấn đề lúc này là nâng cao hơn nữa trách nhiệm, triển khai mạnh mẽ các giải pháp, với phương châm kiểm soát chặt, phát hiện sớm, không để bùng phát ra diện rộng và “không để dịch chồng dịch”.